OGC “nện sàn” sau thông tin bị OceanBank phong tỏa tài khoản

Ngày 8/1, thông tin OGC bị Ngân hàng Đại Dương phong tỏa tài khoản theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra đã không gây ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch của thị trường chứng khoán trong phiên.
OGC “nện sàn” sau thông tin bị OceanBank phong tỏa tài khoản ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)

Phiên ngày 8/1, hoạt động giao dịch trên thị trường khá thận trọng, song theo đánh giá chung từ các chuyên gia, thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) bị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) phong tỏa tài khoản theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra-Bộ Công An (ngày 7/1) không ảnh hưởng đến xu thế chung của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, thông tin trên đã tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu OGC trong phiên giao dịch ngày hôm nay.

Ngay đầu giờ sáng, cổ phiếu OGC bị nhà đầu tư đè bán ở mức giá giảm kịch biên độ cho phép (6.700 đồng/cổ phiếu), trong 15 phút của đợt 1 đã có hơn 1 triệu cổ phiếu được giao dịch với mức giá này, chiếm gần 60% khối lượng cổ phiếu giao dịch trong cả phiên.

Trước động thái đó, làn sóng bán tháo OGC lan rộng, khiến tính thanh khoản của cổ phiếu này trở nên khó khăn, cả phiên thị trường chuyển nhượng thành công 1,75 triệu cổ phiếu, trong khi khối lượng chào bán vẫn còn dư tới 10,7 triệu đơn vị do không được thẩm thấu.

Theo ông Nguyễn Tuấn, Phó phòng Tư vấn Đầu tư, Công ty Cổ phần An Bình, việc tài khoản của OGC bị phong tỏa để phục vụ cho công tác điều tra là hết sức bình thường, bởi đây là nguyên tắc nhằm đáp ứng những yêu cầu từ nghiệp vụ điều tra thông thường của ngành công an.

Ông Tuấn cho rằng, thông tin ‘xấu’ từ Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương đã phản ánh vào thị trường ngay từ thời điểm tháng 10 với sự kiện ông Hà Văn Thắm bị bắt tạm giam, ngày 24/10. Cụ thể, thị trường sau đó đã có một phiên lao dốc và giảm hơn 10 điểm (27/10), tuy nhiên ngay sau đó tâm lý hồi phục và VN-Index đã lấy lại đà đi lên trong các phiên kế tiếp.

“Sự việc trên sẽ không thể chi phối tới tâm lý thị trường chung, song đối với riêng OGC thì đây rõ ràng là thông tin xấu,” ông Tuấn nói.

Phiên giao dịch hôm nay, VN-Index duy trì được sắc xanh nhờ vào sự hậu thuẫn của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và tăng 1,42 điểm. Song HNX do thiếu sự nâng đỡ của dòng tiền đã quay đầu giảm nhẹ 0,08 điểm.

Trên sàn HoSE, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (GAS, VCB, VIC, VNM) nhận được hậu thuẫn của dòng tiền đã đồng loạt tăng và giúp VN-Index duy trì được đà tăng trong phiên.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu blue-chip đã bị bán ra rất mạnh, các mã trụ cột như CTG, DPM, FPT, HAG, KDC… cùng chìm trong sắc đỏ.

Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 1,42 điểm (+0,26%) và lên mức 553,47 điểm. Thanh khoản đạt gần 78 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 1.406 tỷ đồng.

Chỉ số VN30 chốt phiên giảm 0,8 điểm (-0,13%) và xuống mức 606,85 điểm. Thanh khoản đạt gần 37 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch gần 783 tỷ đồng.

Bên phía sàn Hà Nội, chốt phiên chỉ số HNX-Index giảm 0,08 điểm (-0,1%) và xuống mức 84,1 điểm. Thanh khoản đạt 44 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 590 tỷ đồng.

Chỉ số HNX30 đóng giảm 0,5 điểm (-0,31%) và xuống mức 163,07 điểm. Thanh khoản đạt gần 28 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch là 407 tỷ đồng.

Chỉ số UpCoM-Index đóng cửa tăng 0,47 điểm (+0,78%) và lên mức 60,85 điểm, khối lượng giao dịch đạt 1,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 25 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục