Olympic 2016 trở thành "thiên đường" của nạn phe vé và trộm cắp

Cảnh sát đã thu được 781 tấm vé được rao bán với giá "cắt cổ," cụ thể 8.000 USD cho một vé xem lễ khai mạc, trong khi giá vé chính thức cao nhất cũng chỉ 1.300 USD.
Olympic 2016 trở thành "thiên đường" của nạn phe vé và trộm cắp ảnh 1 Một tiết mục nghệ thuật tại lễ khai mạc Olympic Rio 2016 trên sân Maracana ngày 5/8. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Cảnh sát Brazil ngày 8/8 thông báo đã bắt giữ một công dân Ireland bán vé xem Olympic với giá "cắt cổ" và 50 người Brazil phe vé.

Kevin James Mallon, giám đốc công ty THG của Anh, đã bị bắt giữ cùng với một phiên dịch viên tại một phòng khách sạn ở Rio de Janeiro khi đang bán vé cho khoảng 20 người mua.

Cảnh sát đã thu được 781 tấm vé được rao bán với giá "cắt cổ," cụ thể 8.000 USD cho một vé xem lễ khai mạc, trong khi giá vé chính thức cao nhất cũng chỉ 1.300 USD.

Trong số vé Mallon rao bán có cả những vé xem những trận đấu được mong chờ như trận chung kết bóng đá.

Trang mạng Brazil G1 cho biết công ty này đã mua vé từ một hãng bán vé chính thức.

Cơ quan điều tra ước tính THG có thể thu về 3,15 triệu USD từ hoạt động bất chính này.

THG là công ty bán vé chính thức ở Olympic London 2012 song không được phép bán vé tại đại hội 2016.

Tại World Cup 2014, một lãnh đạo công ty này cũng từng bị bắt giữ với cáo buộc tương tự.

Cũng liên quan đến hoạt động "phe vé," cảnh sát Brazil cũng bắt giữ 10 công dân nước này đã làm giả các thẻ tín dụng để mua vé qua các trang mạng của Rio sau đó bán lại và hưởng chênh lệch.

Hầu hết những người này đều bị bắt giữ trước thềm lễ khai mạc, bên ngoài sân vận động Maracana.

Ngoài ra, 40 đối tượng phe vé khác cũng bị bắt giữ ngày 7/8 bên ngoài Công viên Olympic.

Ngoài phe vé, trộm cắp đang trở thành vấn nạn thường ngày dịp Olympic.

Với hơn 500.000 người đổ về Brazil để xem các trận đấu, Olympic đang trở thành mùa làm ăn của "đội quân" trộm cắp của Rio.

Quan chức, vận động viên, huấn luyện viên và phóng viên ảnh đều đã trở thành nạn nhân của nạn trộm cắp ở Rio de Janeiro.

Một phóng viên của tờ News Corp (Australia) mất hết thiết bị làm việc trị giá hàng chục nghìn USD tại một quán càphê và hai ngày sau đó đã nhìn thấy tên trộm mặc đúng chiếc áo của mình.

Ngay ở khu vực dành riêng của mình, hãng tin Pháp AFP cho biết cũng đã xảy ra nhiều vụ mất trộm.

Tại làng vận động viên, đội tuyển Trung Quốc, Australia, Đan Mạch đều từng là nạn nhân của các vụ mất cắp với đồ bị mất cũng rất đa dạng từ máy tính, điện thoại cho đến ... chăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục