Olympic Hóa học 2014 - Dấu ấn văn hóa, trí tuệ Việt Nam

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Nội, Trưởng ban chuyên môn của kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế (ICho).
Olympic Hóa học 2014 - Dấu ấn văn hóa, trí tuệ Việt Nam ảnh 1 Các thí sinh làm bài thi thực hành. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Olympic Hóa học quốc tế (ICho) lần thứ 46 đã thành công tốt đẹp. Đây là một sự kiện văn hóa, khoa học, giáo dục và đối ngoại lớn lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Thông qua sự kiện này, những dấu ấn về văn hóa, trí tuệ của Việt Nam đã được khắc họa rõ nét trong đề thi cũng như các hoạt động ngoại khóa.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban chuyên môn của kỳ thi.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Dấu ấn Việt Nam


- Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp. Với việc tổ chức kỳ thi lần này, Việt Nam đã đóng góp và để lại dấu ấn như thế nào đối với lịch sử phát triển của các kỳ Olympic Hóa học quốc tế?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Nội: Việt Nam là nước vinh dự tổ chức Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46, trước đó, Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 44 được tổ chức ở Mỹ và lần thứ 45 tổ chức ở Nga. Về kì Olympic Hóa học quốc tế mà lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đã nhận được nhiều phản ánh tích cực của bạn bè quốc tế.

Với sự kiện này, Việt Nam đã ghi dấu ấn rất tốt đẹp với thế giới trong công tác chuẩn bị, hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là công tác chuẩn bị về mặt chuyên môn - khâu quan trọng nhất quyết định thành công của một kỳ thi Olympic quốc tế. Tất cả các thầy cô giáo và Ban giám khảo quốc tế đã đánh giá cao Việt Nam trong việc chuẩn bị bộ đề thi lý thuyết và bộ đề thi thực hành, chuẩn bị cơ sở vật chất để tiến hành các phần thi này.

- Đề thi và đáp án tại mỗi kỳ thi Olympic Hóa học luôn là điều mà các học sinh dự thi, chuyên gia quốc tế sẽ nhớ mãi. Vậy lần này, đề thi và đáp án của Việt Nam đề cập đến những vấn đề gì để ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế, thưa phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Nội?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Nội: Để chuẩn bị cho kỳ thi, Ban chuyên môn đã làm việc trong thời gian rất dài. Ngay từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban chuyên môn do tôi làm Trưởng ban. Với bộ đề thi chính thức của Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 lần này, phần lý thuyết gồm 9 bài thi, đề thi thực hành gồm 3 bài thi.

Các đề thi phải đáp ứng tốt những yêu cầu nghiêm ngặt của Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế cả về mức độ khó, hình thức và nội dung. Năm nay, đề thi lý thuyết và đề thi thực hành đều có sự kết hợp tốt giữa nội dung khoa học Hóa học hiện đại nhất với nội dung liên quan trực tiếp đến đặc thù của Việt Nam.

Ví dụ, trong đề thi lý thuyết có nội dung liên quan đến tinh dầu chiết xuất từ hoa hồi - một nguyên liệu quý của nước ta, được sử dụng chế biến món phở, một món ăn ngon, tinh tế của ẩm thực Việt Nam đã được bạn bè quốc tế công nhận. Cây hoa hồi đã được đưa vào đề thi lý thuyết cũng được coi là thành công trong cách ra đề thi của Việt Nam, tạo ra dấu ấn của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ở đề thi thực hành, cũng có bài liên quan trực tiếp tới đặc thù của Việt Nam. Ví dụ như bài thi liên quan đến tổng hợp dẫn xuất Artemisinin - một dẫn xuất chống sốt rét cực kỳ nổi tiếng, chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng của Việt Nam.

Điều này đã đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế cũng như nêu lên được những nét đặc thù của thực tiễn khoa học Việt Nam trong việc xây dựng đề thi. Đồng thời góp phần tăng thêm lòng yêu khoa học Hóa học, yêu vẻ đẹp của Hóa học của học sinh Việt Nam.

Tự tin hội nhập quốc tế

- Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần này sẽ góp phần mở ra cơ hội như thế nào đối với sự phát triển của các ngành khoa học, trong đó có ngành Hóa học và sự phát triển của giáo dục Việt Nam?


Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Nội:
Có thể nói rằng kỳ thi Olympic Hóa học lần này đã tạo động lực lớn trong việc học tập và nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên. Bộ đề thi là kết tinh công sức lao động, suy ngẫm của các nhà Hóa học hàng đầu Việt Nam.

Trong số 9 bài thi lý thuyết cũng như 3 bài thi thực hành có sự tham gia của nhiều nhà Hóa học nổi tiếng, ở các thế hệ. Trong đó có những phần được xây dựng bởi nhà khoa học có tuổi đời rất cao, trên 80 tuổi, bên cạnh đó, cũng có những nhà khoa học còn rất trẻ, tuổi đời dưới 40.

Có thể nói, các thế hệ kế tục nhau để xây dựng nên một bộ đề thi tuyệt vời trong kỳ thi Olympic Hóa học lần này. Kỳ thi này sẽ là cú hích thúc đẩy phong trào học tập môn Hóa học ở trường phổ thông cũng như việc nghiên cứu ở bậc đại học. Bên cạnh đó, Olympic Hóa học quốc tế là một diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm cho các nhà chuyên môn giảng dạy trong lĩnh vực Hóa học.

Các kỳ thi Olympic không chỉ là nơi vinh danh các em học sinh xuất sắc mà còn là nơi tụ hội, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà khoa học trẻ trên toàn thế giới. Trước kỳ thi Olympic Hóa học lần này, Việt Nam đã tổ chức thành công Olympic Toán học quốc tế, Vật lý quốc tế và đến năm 2016 sẽ là Olympic Sinh học quốc tế.


- Đây là năm đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền tổ chức kỳ thi cho trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Điều này đã góp phần khích lệ tinh thần các nhà khoa học như thế nào, thưa ông?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Nội: Theo đánh giá của tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một quyết sách đúng đắn khi giao sự kiện rất lớn cho trường Đại học Khoa học Tự nhiên chủ trì phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Một sự kiện chuyên môn mang tầm vóc quốc tế được giao cho một trường đại học là trách nhiệm hết sức nặng nề.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội hoàn toàn tự tin vì đã được độc lập trong việc xây dựng chương trình, với sự đóng góp tích cực của các thế hệ các nhà Hóa học của trường cũng như của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các nhà khoa học của Viện Khoa học Hóa học Việt Nam và các nhà khoa học khác. Và thực tế đã chứng minh là nhà trường đã không phụ lòng tin của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ban tổ chức đã nhận được ý kiến đánh giá của của các chuyên gia, đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế Peter Wothers. Ông Peter Wothers cho rằng Olympic Hóa học quốc tế lần này là một trong những Olympic Hóa học quốc tế thành công nhất kể cả về mặt chuyên môn cũng như tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan.

Tôi nghĩ đây là lời đánh giá rất cao công sức của các trường đại học mà trường Đại học Khoa học Tự nhiên là đơn vị chủ trì sự kiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục