Ốm yếu khi nhỏ nhiều khả năng thành thiên tài?

Một nghiên cứu của trường Đại học California (Mỹ) mới được đăng trên Tạp chí Khoa học tâm lý, cho biết một số thiên tài xuất chúng trong lịch sử loài người đều có một đặc điểm là thể trạng ốm yếu khi còn nhỏ.

Một nghiên cứu của trường Đại học California (Mỹ) mới được đăng trên Tạp chí Khoa học tâm lý, cho biết một số thiên tài xuất chúng trong lịch sử loài người đều có một đặc điểm là thể trạng ốm yếu khi còn nhỏ.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích các số liệu có từ hơn 70 năm trước của hơn 280 thiên tài thuộc nhiều lĩnh vực như chính trị, quân sự, tôn giáo, khoa học, triết học, thông tin, viễn tưởng, âm nhạc và hội họa, trong đó có các thiên tài xuất chúng như Voltaire, bút danh của nhà Văn Pháp Francois Marie Arouet; Abraham Lincoln, Tổng Thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Rene Descartes, nhà triết học, khoa học và toán học người Pháp; Isaac Newton, nhà vật lý, thiên văn học, triết học tự nhiên và nhà toán học vĩ đại người Anh và Michelangelo di Lodovico Buonarriti Simoni, nhà điêu khắc thời Phục hưng người Italy đều là những người ốm yếu khi còn trẻ.

Qua các nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra chỉ số thông minh (IQ) không tỷ lệ thuận với thể chất khi còn trẻ của các thiên tài. Trí tuệ thông minh xuất chúng của các thiên tài có liên quan tới thể trạng sức khỏe yếu của họ từ lúc còn bé. Những người có thể trạng yếu khi còn nhỏ thường hay ở trong nhà chứ không thích tham gia các hoạt động ngoài trời và sẽ đọc sách nhiều hơn. Việc đọc nhiều là một trong những nhân tố giúp làm tăng sự phát triển trí tuệ, chứ không phải người có thể trạng sức khỏe tốt sẽ có chỉ số IQ phát triển tốt.

Trước kia, nhà triết học Descartes vốn có sức khỏe yếu khi còn là một cậu bé, do đó ông đã được các giáo viên cho phép ngủ cho tới trưa. Sau đó, ông cho biết tất cả những ý tưởng tốt nhất của ông hình thành trong thời gian buổi sáng.

Tương tự, nhà văn nổi tiếng thế giới Charles Dickens cũng vốn cũng là một cậu bé yếu đuối, ngại va chạm. Chính hai nguyên nhân này đã khiến ông không tham gia các môn thể thao và chỉ chúi đầu vào các cuốn sách.

Kỹ sư John Saringer đã tạo ra các thiết bị y tế giúp giảm bớt các tác hại của bệnh bại liệt cho hàng triệu người. Khi còn niên thiếu, ông liên tục phải ra vào bệnh viện vì các vấn đề sức khỏe kinh niên. Điều đó khiến ông bị các bạn cùng trang lứa “ruồng bỏ”. Ông tin rằng khoảng thời gian cô đơn đã đẩy ông tới con đường thành công. Ông nhanh chóng trở thành một người đàn ông đầy quyền lực và trở thành triệu phú khi mới 20 tuổi.

Nghiên cứu này còn là một bằng chứng ủng hộ kết luật mới đây của nhà xã hội học Malcolm Gladwell cho rằng 10.000 giờ rèn luyện trí tuệ là ngưỡng cửa quan trọng tạo cho con người có vốn kiến thức cần thiết để vượt trội hơn so với người khác trong một lĩnh vực nào đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục