Omicron tiếp tục phơi bày tình trạng bất bình đẳng trong lĩnh vực y tế

Các quốc gia giàu có trên thế giới tăng cường tuyển dụng đội ngũ y tá, điều dưỡng từ các nước nghèo hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân viên y tế vốn đã căng thẳng tại những nước nghèo.
Omicron tiếp tục phơi bày tình trạng bất bình đẳng trong lĩnh vực y tế ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ, ngày 6/4/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Hội đồng Điều dưỡng quốc tế (ICN) cho rằng làn sóng dịch bệnh COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra đã khiến các quốc gia giàu có trên thế giới tăng cường tuyển dụng đội ngũ y tá, điều dưỡng từ các nước nghèo hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân viên y tế vốn đã căng thẳng tại những nước nghèo.

Theo Giám đốc điều hành ICN Howard Catton, tình trạng nhân viên y tế đau ốm, kiệt sức, và nghỉ việc khi số ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng mạnh đã khiến ngành y tế rơi vào tình trạng thiếu nhân viên chưa từng thấy trong 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành vừa qua.

Để ứng phó, các quốc gia phương Tây đã tuyển dụng đội ngũ quân y cũng như tình nguyện viên và những người đã về hưu, nhưng nhiều nước (trong đó có Anh, Đức, Canada, Mỹ) cũng tăng cường tuyển dụng lực lượng lao động từ nước ngoài.

[Tình trạng bất bình đẳng tiếp cận vaccine COVID-19 có được giải quyết?]

Ông Catton cho rằng "giải pháp khắc phục nhanh" này càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong lĩnh vực y tế như từng xảy ra trước đây đối với thiết bị bảo hộ cá nhân và vaccine, khi mà các quốc gia giàu đã mua tích trữ những thiết bị này. 

Ông Catton cho biết đội ngũ y tá và điều dưỡng nước ngoài được tuyển dụng tại các quốc gia giàu có đến từ các nước ở phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi và khu vực Caribe.

Mức lương cao và điều kiện làm việc tốt hơn so với trong nước đã hấp dẫn các nhân viên y tế này. Thậm chí, họ còn được tạo điều kiện cấp quy chế nhập cư ưu tiên. 

ICN có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện cho 27 triệu điều dưỡng, y tá và 130 tổ chức quốc gia.

Theo dữ liệu của tổ chức này, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, toàn cầu đã thiếu 6 triệu y tá, điều dưỡng, trong đó gần 90% số nhân sự thiếu hụt này là ở những nước thu nhập thấp và trung bình thấp.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy ngay cả những nước giàu cũng có thời điểm đối mặt với tình trạng thiết nhân viên y tế khi đại dịch bùng phát.

Do đó, ông Catton kêu gọi thế giới cần có sự phối hợp và đầu tư mạnh hơn nữa, cũng như xây dựng kế hoạch hành động 10 năm nhằm tăng cường lực lượng y tá và điều dưỡng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục