Ổn định kinh tế vĩ mô, "phá băng" thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Các chuyên gia và nhà quản lý đã cùng thảo luận về ổn định các cân đối vĩ mô và nêu nhiều biện pháp tiếp tục ổn định và giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật.
Ổn định kinh tế vĩ mô, "phá băng" thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảnh 1Các khách mời tham gia buổi Tọa đàm. (Ảnh: VGP)

Tại Tọa đàm trực tuyến "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 28/5, các vị khách mời đã nêu nhiều biện pháp tiếp tục ổn định và giúp thị trường này hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế.

Việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian qua, bởi thị trường này nắm giữ nguồn vốn rất lớn cho nền kinh tế. Mỗi biến động, dù là nhỏ của thị trường, cũng có tác động không nhỏ tới nền kinh tế.

Phát triển bền vững thị trường này cũng là kênh huy động vốn từ nhân dân cho nền kinh tế ngoài các kênh truyền thống, là việc quan trọng cần làm.

Nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chứng kiến "cú sốc" tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư thường xuyên thấy nhiều vụ việc bị các cơ quan chức năng xử lý.

Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến thị trường này gia tăng rủi ro.

Để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều quyết định quan trọng để ổn định, đưa thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế, khơi dậy niềm tin của người dân.

Mặc dù chưa phát triển như mong muốn nhưng thị trường cũng đã có những tín hiệu tích cực.

Từ Singapore, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho biết trái phiếu là kênh huy động nguồn vốn đặc biệt quan trọng, không chỉ cho doanh nghiệp mà cả Chính phủ cần đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy trái phiếu phát hành có 3 loại. Một là phải mua bảo hiểm, hai là phát hành trái phiếu nhưng có bảo lãnh, ba là loại trái phiếu không có bảo lãnh, không bảo hiểm thì phải có ít nhất hai công ty đánh giá kinh nghiệm, năng lực, thẩm định để giúp người dân yên tâm.

Ông Vũ Minh Khương cũng nêu lên 3 tuyến phòng vệ trong vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp để tránh vấn đề hình sự. Tuyến phòng vệ thứ nhất là các lãnh đạo doanh nghiệp khi chuẩn bị cần hiểu thật kỹ về quản trị doanh nghiệp. Tuyến phòng vệ thứ hai là bảo đảm vấn đề pháp lý, phản ứng cứu hộ. Tuyến phòng vệ thứ ba là cần kiểm toán hằng năm để đánh giá.

Tiến sỹ Khương dẫn chứng, một số quốc gia không chú ý đầu tư nâng cấp hệ sinh thái cho trái phiếu nên khó phát triển, như Indonesia hay Philippines vẫn quanh quẩn 30 USD cho trái phiếu doanh nghiệp.

[Rủi ro về thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp đang gia tăng]

“Chỉ mức đó thì khó tiến lên được, trong khi ở Hàn Quốc, họ có thể phát hành cả nghìn tỷ USD. Xây dựng một nền tảng cho hệ thống tài chính lành mạnh cho tương lai của Việt Nam là vấn đề rất cấp bách. Tôi tin là Chính phủ nhiệm kỳ này có thể làm được vấn đề đó và coi thách thức hiện giờ chúng ta gặp phải là một quyết tâm chiến lược để Việt Nam để tạo ra một nền móng thật tốt trong thời gian tới," Tiến sỹ Vũ Minh Khương khẳng định.

Nhận định đây là thời kỳ phải tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp, Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, nguồn vốn cho doanh nghiệp hiện nay dựa vào hai nguồn: Thị trường trái phiếu và thị trường khá truyền thống là hệ thống cấp vốn từ các ngân hàng tín dụng.

Doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại sẽ giúp duy trì cân bằng kinh tế vĩ mô. Chuyển hướng của Chính phủ trong giai đoạn này là phải tập trung cho tăng trưởng.

Ông cho rằng trái phiếu là một thị trường tài chính, đòi hỏi những người tham gia phải có năng lực và phải có một môi trường pháp lý để tạo ra một hệ sinh thái.

Vừa qua có cuộc khủng hoảng trái phiếu, Chính phủ đã có hành động khá kịp thời và bài bản, ngăn chặn sớm rủi ro, không để cho tình trạng đó lún sâu.

Nêu giải pháp "phá băng" cho thị trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu, ứng xử một cách linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng kịp thời diễn biến thực tiễn.

Ổn định kinh tế vĩ mô, "phá băng" thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảnh 2Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thời gian qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và số 08/2023/NĐ-CP đã kịp thời giúp các doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư có điều kiện và công cụ pháp lý, thời gian để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản đảm bảo và giải quyết những vấn đề khác liên quan… trên nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ.

Doanh nghiệp phát hành phải chịu trách nhiệm đến cùng với những nghĩa vụ như các cam kết của mình với nhà đầu tư. Nhà nước giám sát các doanh nghiệp, giám sát thị trường để đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Bản thân các nhà đầu tư cũng phải tôn trọng quy định của pháp luật để Nhà nước hỗ trợ và giám sát thị trường này minh bạch, đảm bảo hài hòa các quyền lợi, lợi ích của các bên.

Khi tình hình thị trường bất động sản gặp khó khăn, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ và giúp cho các doanh nghiệp phát hành, như chính sách giãn nợ, chuyển nhóm nợ, giảm lãi suất, giãn thuế, giảm thuế…

Những giải pháp này hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ổn định trở lại và phát triển bền vững.

“Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Doanh nghiệp phải tôn trọng các thỏa thuận của doanh nghiệp phát hành với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và phải thực thi trách nhiệm của mình. Nhà nước đảm bảo việc đó được thực hiện," Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Tại tọa đàm, các vị khách mời cũng thảo luận về ổn định các cân đối vĩ mô và những kết quả đạt được trong thời gian qua; cho rằng sự phối kết hợp trong các chính sách khi điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng như giãn, hoãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất… đóng vai trò quan trọng, giúp cho ổn định kinh tế vĩ mô.

“Đứng từ góc độ Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội và cho Đảng về chính sách tài khóa, tôi đánh giá chính sách tài khóa trong những năm vừa qua chính là điểm tựa, bệ đỡ cho chúng ta thực hiện các nhiệm vụ vĩ mô khác," Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, phải tiếp tục sử dụng cơ chế tiền tệ linh hoạt nhưng phải thận trọng và kiểm soát được dòng tiền.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khó khăn, có nhu cầu mà chúng ta không kiểm soát được dòng tiền, để dòng tiền không chảy vào đúng chỗ đang cần sản xuất kinh doanh tạo ra của cải đưa ra thị trường, thanh khoản ngay mà rơi vào khu vực đang đóng băng, đang thiếu tiền, nợ đọng “thì gần như là ném tiền vào hố đen, đem muối bỏ biển, có khi chỉ làm hao hụt nguồn lực của tài chính."

Đánh giá cao việc Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ và vừa qua đã đề xuất Quốc hội giảm tiếp thuế VAT 2%, ông cho rằng đây là những biện pháp rất kịp thời.

Việc dùng tài khóa phối hợp với tiền tệ bằng việc hỗ trợ lãi suất hết sức hiệu quả. Nếu tăng được phần hỗ trợ lãi suất, chúng ta sẽ hướng đúng dòng vốn vào những đối tượng đang cần hỗ trợ, tăng cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp.

Tiến sỹ Vũ Minh Khương và Tiến sỹ Hoàng Văn Cường đều nhấn mạnh đến việc thay đổi tư duy, hành động, tháo được nút thắt về mặt thể chế để khơi thông nguồn lực.

Hiện nay, các nút thắt này đang diễn ra khá phổ biến, nên tình trạng đầu tư công giải ngân không nhanh được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục