Ôn lại tình nghĩa Trung-Việt, bàn phương kế hợp tác

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Lý Khắc Cường thể hiện sự coi trọng rất lớn của chính phủ Trung Quốc với quan hệ hai nước.
Mùa thu tháng Mười, Hà Nội đang vào mùa đẹp nhất trong năm. Cách đó hàng nghìn dặm, Bắc Kinh cũng đang vào lúc sắc thu dịu dàng, gió thu nhè nhẹ. Ở thời điểm tươi đẹp này, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường sắp đi thăm chính thức Việt Nam.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là chuyến thăm chính thức của một vị thủ tướng Trung Quốc tới Việt Nam sau 9 năm.

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Khắc Cường thể hiện sự coi trọng rất lớn của chính phủ Trung Quốc với quan hệ hai nước, thể hiện tình cảm chân thành đối với việc củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và mong muốn tốt đẹp đối với việc làm sâu sắc thêm hợp tác cùng có lợi giữa hai bên.

Thế hệ trước dựng xây, thế hệ sau tiếp bước

“Việt Nam-Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông.” Lời của bài hát vốn đã quen thuộc với nhân dân hai nước này đã thể hiện sinh động mối tình hữu nghị có lịch sử lâu đời giữa Trung Quốc và Việt Nam. Giữa hai nước, địa lý núi sông liền kề nhau, nhân dân hai nước “tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây,” lịch sử giao lưu hữu nghị dài tới hơn hai nghìn năm. Đến thời cận đại, hai bên lại ủng hộ lẫn nhau và sát cánh chiến đấu trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và giải phóng đất nước, tạo nên tình hữu nghị sâu sắc được kết bằng máu đào.

Mối tình hữu nghị sâu nặng và chân thành đó được Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối dày công gây dựng và vun đắp, để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim của người dân hai nước.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em.” Tình hữu nghị được gây dựng trong bom đạn của chiến tranh thật không dễ dàng, là tài sản quý giá của nhân dân hai nước, là kho báu vô giá đáng để cho chúng ta trân trọng hơn nữa. Với vai trò là những người tiếp bước trong sự nghiệp cách mạng, thế hệ chúng ta hôm nay mang trên vai trách nhiệm lịch sử là kế thừa và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đây là trách nhiệm nặng nề mà chúng ta nhất định phải thực hiện.

Đoàn kết hợp tác, cùng nhau phát triển

Ngoại giao với láng giềng luôn chiếm một vị trí hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã một lần nữa khẳng định: Trung Quốc sẽ luôn kiên định con đường phát triển hòa bình, kiên trì chính sách thân thiện với láng giềng, làm đối tác với láng giềng, củng cố tình hữu nghị với láng giềng, làm sâu sắc quan hệ hợp tác cùng có lợi, nỗ lực để sự phát triển của mình càng có lợi đối với các nước chung quanh.

Là hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa và đối tác hợp tác quan trọng của nhau, Việt Nam là một phần quan trọng và đặc biệt trong chính sách ngoại giao với láng giềng của Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, hai bên không ngừng tăng cường các cuộc gặp gỡ cấp cao.

Tháng 5/2013, Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc-Việt Nam họp phiên thứ sáu tại Bắc Kinh; tháng 6-2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang thăm Trung Quốc; tháng 8/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm Việt Nam; tháng 9/2013, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến Nam Ninh dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN lần thứ X. Trung Quốc và Việt Nam đang không ngừng đưa ra những tín hiệu tích cực, cho thấy quan hệ hai nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới.

Trung Quốc và Việt Nam đều là những nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thể chế chính trị tương đồng, tình hình đất nước cũng gần giống nhau. Công cuộc cải cách mở cửa và đổi mới mà hai nước đã và đang tiến hành suốt mấy chục năm qua đã gặt hái được những thành tựu khiến cả thế giới khâm phục.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đổi mới một cách mạnh mẽ, tìm tòi con đường phát triển phù hợp với tình hình của đất nước mình, công cuộc đổi mới đã tạo ra động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Hiện nay, xã hội Việt Nam ổn định, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, một Việt Nam từng gánh chịu bao đau thương trong chiến tranh, nay đang chứng tỏ sự phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Hiện nay, kinh tế thế giới đang trong giai đoạn điều chỉnh sâu sắc, thiếu động lực tăng trưởng, các thị trường mới nổi liên tục chịu tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính thế giới tiếp tục tồn tại, môi trường phát triển bên trong và bên ngoài mà hai nước Trung Quốc và Việt Nam đang phải đối mặt vô cùng phức tạp. Cùng với đó, kinh tế xã hội hai nước phát triển mạnh mẽ, đang trong giai đoạn thời cơ chiến lược quan trọng đầy tiền năng, có được điều kiện cơ bản để phát triển bền vững.

Làm thế nào để duy trì xu thế phát triển ổn định chung của nền kinh tế, điều tiết mối quan hệ giữa ổn định tăng trưởng, điều chỉnh cơ cấu, đẩy mạnh cải cách, đã trở thành mối quan tâm chung của hai nước. Gần đây, vấn đề Ai Cập và Syria đã trở thành điểm nóng trên thế giới, chúng ta có thể thấy rõ rằng, bất ổn sẽ chỉ đem đến khổ đau cho người dân, sự can thiệp của thế lực bên ngoài chỉ làm cho tình hình càng thêm phức tạp.

Trung Quốc và Việt Nam có lý tưởng và niềm tin giống nhau, tiền đồ và vận mệnh gắn kết với nhau, cần tăng cường đoàn kết hữu nghị, cùng nhau tìm ra đối sách thỏa đáng. Trong bối cảnh như trên, hai nước càng phải tăng cường tiếp xúc cấp cao, tăng cường niềm tin chiến lược, không ngừng nâng tầm hợp tác, thúc đẩy quan hệ hai nước đạt được những phát triển to lớn hơn nữa, thể hiện quyết tâm phát triển quan hệ hữu nghị và tương lai tươi đẹp giữa hai nước đối với bên ngoài và đặc biệt là đối với nhân dân hai nước.

Tuy nhiên, giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn tồn tại tranh chấp trên biển. Nó như một quả bom không hẹn giờ, liên tục tác động đến quan hệ hai nước, có ảnh hưởng nhất định đến nền tảng xã hội của quan hệ hữu nghị, cũng như hợp tác cùng có lợi của hai bên trên các lĩnh vực. Nhưng chúng ta cũng phải nhận ra rằng, dưới nỗ lực chung của hai bên, hai nước đã giải quyết thành công vấn đề biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ.

Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết rằng, kiên trì hiệp thương hữu nghị và đàm phán đối thoại song phương là con đường cơ bản để giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước. Lãnh đạo hai bên đã nhiều lần đi sâu trao đổi vấn đề trên biển và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng.

Chỉ cần chúng ta có quyết tâm, có niềm tin, có thành ý và sự kiên trì, lấy đàm phán để giải quyết tranh chấp, lấy hợp tác để hóa giải bất đồng, hai bên nhất định sẽ tìm được cách thức giải quyết phù hợp với lợi ích của hai nước mà hai bên đều có thể chấp nhận được, góp phần tạo ra bầu không khí tốt đẹp cho sự phát triển lâu dài của quan hệ hai nước.

Cùng có lợi, cùng thắng là xu thế lớn

Trung Quốc có câu thành ngữ là “đồng cam cộng khổ.” Hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã từng trải qua “cộng khổ” trong những tháng ngày gian khó, nay cuộc sống của chúng ta đã tốt hơn trước nhiều, thì nên tiếp tục “đồng cam”, tăng cường đoàn kết và hợp tác để cùng nhau phát triển.

Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước từ 32 triệu USD năm 1991, đã tăng lên 50,44 tỷ USD trong năm 2012, trong 21 năm tăng 1.576 lần. Năm nay, có khả năng sẽ hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 60 tỷ USD, hợp tác song phương đã gặt hái được những thành tựu đáng kể. Nhưng dù cho đã có được sự tăng trưởng nhanh chóng, song tiềm năng hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Hiện nay, hai nước đang ở trong giai đoạn then chốt của sự phát triển, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác cùng có lợi sẽ có tác dụng to lớn thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi bên. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam có ưu thế hợp tác hiếm có trên các phương diện như thể chế chính trị, vị trí địa lý, lợi ích chung của hai bên vượt xa những bất đồng. Trong chuyến thăm lần này, chính phủ hai nước sẽ ra Tuyên bố chung về làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa hai nước song hành trên ba trụ cột là hợp tác trên biển, hợp tác trên đất liền và hợp tác tài chính. Đây là một sáng kiến hợp tác có ý nghĩa chiến lược, không chỉ góp phần thu hẹp bất đồng giữa hai nước, mà còn sẽ tăng cường tối đa niềm tin chính trị giữa hai bên, tạo ra động lực mạnh mẽ và lâu dài cho sự phát triển của quan hệ hai nước và hợp tác trên các lĩnh vực. Đây không chỉ là hợp tác toàn diện trên lĩnh vực kinh tế, mà còn là sự quy hoạch lâu dài cho sự phát triển của quan hệ song phương.

Chúng ta kỳ vọng chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường giữa mùa thu tươi đẹp sẽ gặt hái được những thành quả rực rỡ, đem lại làn gió trong lành, tươi mới cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, tạo ra năng lượng và động lực mới cho sự kế thừa mãi mãi tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam, để nhân dân hai nước đều được hưởng càng nhiều thành quả hợp tác từ sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục