Ông Biden "ghi bàn" khi triển khai chính sách đa phương với Trung Quốc

Tuyên bố quan trọng nhất và có thể đem lại những thay đổi lớn đối với G7 là việc đưa ra kế hoạch "Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn" (B3W) như một thay thế đối với sáng kiến BRI của Trung Quốc.
Ông Biden "ghi bàn" khi triển khai chính sách đa phương với Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng Thediplomat.com, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thể chưa phát triển thành nhóm 10 nước dân chủ thường trực (D10). Thế nhưng, hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Cornwall (Anh) từ ngày 11-13/6 vừa qua đã cho thấy giá trị trong cách tiếp cận theo đường lối đa phương của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Trung Quốc.

Các nền dân chủ tự do không những đoàn kết hơn, mà giờ đây còn đưa ra một sáng kiến thực chất đối trọng với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Trước thềm hội nghị G7 năm nay, đã xuất hiện những đồn đoán rằng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là "bệ phóng" cho việc hình thành nhóm D10.

Với vai trò là nước chủ nhà, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra sáng kiến mời các nền dân chủ Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc tham dự thượng đỉnh G7 (và sau đó còn mời cả Nam Phi).

Theo tầm nhìn của nhóm tư vấn chính sách cho Johnson, D10 sẽ giải quyết những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và mạng viễn thông không dây thế hệ thứ 5 (5G).

Mặc dù cả hai vấn đề này thực chất đều liên quan đến Trung Quốc, song những người đề xuất thành lập D10 lại khăng khăng rằng D10 không phải là một liên minh chống Bắc Kinh.

Tuy nhiên, những chối bỏ như vậy, dù thực hư thế nào, đều không thể thuyết phục được những nước châu Âu có quan điểm thận trọng vốn muốn duy trì cách tiếp cận của riêng mình theo cách ít hiếu chiến hơn với Bắc Kinh.

Những tín hiệu ban đầu này đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng việc thành lập một nhóm D10 chính thức sẽ không được thảo luận tại hội nghị lần này.

Cho đến nay, việc mở rộng G7 thành D10 vẫn là vấn đề bị bỏ ngỏ. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thừa nhận rằng việc hợp tác với một nhóm nước có cùng chí hướng để xử lý từng vấn đề sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc chính thức tái cấu trúc G7.

[Mỹ đang "lầm đường lạc lối" trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc?]

Thế nhưng, sự phản hồi như vậy cho đến nay đã và sẽ không phủ bóng lên những thành công của chính quyền ông Biden trong việc gắn kết các nền dân chủ tự do trên thế giới hướng tới một quan điểm chung chống Trung Quốc.

Thông cáo sau hội nghị G7 mang tựa đề "Chương trình nghị sự chung cho hành động toàn cầu để xây dựng lại tốt đẹp hơn" là minh chứng rõ ràng cho điều nói trên.

Điều này không nhằm bỏ qua thực tế rằng những rạn nứt trước đây trong nhóm đã tiêu tan. Cả Pháp và Đức sẽ muốn duy trì sự độc lập của châu Âu trước Washington. Trong khi đó, chắc chắn, Thủ tướng Johnson sẽ tiếp tục nỗ lực hành động theo cách mà một quan chức của nước thành viên G7 miêu tả là "vừa muốn duy trì vị thế độc lập với Mỹ vừa muốn tỏ thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc."

Dần dần, sẽ không có gì ngạc nhiên khi các lãnh đạo G7 "hạ giọng" đối với Bắc Kinh, bằng cách bác bỏ bất kỳ thái độ thù địch nào đối với Trung Quốc hoặc đề cập về sự cần thiết hợp tác với gã khổng lồ châu Á này về vấn đề biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, thông cáo của G7 chứa đựng một số vấn đề quan trọng liên quan đến Trung Quốc. Thông cáo này đưa ra lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra mới về nguồn gốc làm bùng phát đại dịch COVID-19 cũng như lời kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng vấn đề nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương.

Thông cáo cũng đề cập việc Bắc Kinh công kích nền dân chủ của Hong Kong, mà ở góc độ lớn hơn chính là công kích vào Tuyên bố Chung Anh-Trung. Ngoài ra, thông cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Lâu nay, G7 chưa từng đụng chạm đến vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, cả Mỹ và Nhật Bản vẫn không ngừng khích lệ các đồng minh lên tiếng về những sự kiện gần đây tại eo biển này. 

Tuyên bố quan trọng nhất và có khả năng đem lại những thay đổi lớn lao đối với G7 là việc đưa ra kế hoạch "Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn" (B3W) như một thay thế đối với sáng kiến BRI của Trung Quốc.

B3W không chỉ nhằm thách thức tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở các nước đang phát triển, mà còn nỗ lực loại bỏ những khía cạnh tồi tệ nhất liên quan những khoản đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp các lục địa Á-Âu-Phi, trong đó gồm có vấn đề hủy hoại nhân quyền, hủy hoại những tiêu chí môi trường và nguy cơ bẫy nợ tiềm ẩn.

Để khắc phục những vấn đề như vậy, B3W tập trung vào các tiêu chí như giá trị, chất lượng cao và tính minh bạch. Tuy nhiên, chi tiết về cách thức cấp vốn cho B3W vẫn còn là điều chưa rõ ràng. 

Giờ đây, thách thức đối với chính quyền Biden là việc thuyết phục các thành viên G7 đóng góp tài chính cho nhu cầu vốn của B3W có thể lên đến hàng trăm tỷ USD. Mặc dù chủ đề chính xuyên suốt G7 là "Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn" song việc các thành viên "bỏ hầu bao" của mình để đóng góp cho B3W có thể là điều khó khăn hơn cả việc thuyết phục họ cam kết với những giá trị và những ngồn từ được thống nhất trong nhóm. 

Mặc dù vậy, với hàng loạt đòn trừng phạt phối hợp mà Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc hồi đầu năm 2021 liên quan vấn đề Tân Cương, chính quyền Biden đã “ghi bàn” trong việc khích lệ các nước khác cùng chung tay hành động với Mỹ trong bối cảnh triển vọng các nước "trở thành cùng hội cùng thuyền" với Mỹ dường như mong manh.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng bình luận: "Nếu 6 tháng trước đây bạn hỏi tôi rằng liệu tôi có nghĩ rằng Brussels, Ottawa, London và Washington sẽ chung tay về vấn đề nhân quyền hay không, thì tôi đáng nhẽ ra đã đánh cược là không thể."

Trung Quốc đang thúc đẩy triển khai mau lẹ các chính sách của họ ở thế giới dân chủ tự do. Mặc dù chủ nghĩa hoài nghi về Trung Quốc chưa phát triển nhanh tới mức cần phải thiết lập một mặt trận liên minh dân chủ mới, song sự nghị kỵ về Trung Quốc đã giúp G7 đoàn kết trở lại.

Như nhiều giới quan sát tình hình Trung Quốc ở phương Tây ghi nhận, vấn đề Trung Quốc "đậm đặc" hơn trong chương trình nghị sự của G7 năm nay so với các chương trình nghị sự của các năm trước, với việc lãnh đạo G7 "chỉ đích danh" Trung Quốc liên quan một số vấn đề nhạy cảm. Chắc chắn, điều này một phần là do chính sách đa phương của chính quyền Biden.

Giờ đây, câu hỏi đặt ra là: Liệu Biden người đưa Mỹ trở lại bàn đàm phán G7 có thể thuyết phục được các đồng minh cùng phô diễn "cơ bắp tài chính" cho B3W hay không?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục