Ông đồ gàn chốn Hà Thành và giấc mơ nơi hè phố

Một đời đeo đẳng với nghiệp bút nghiên, ở tuổi gần bát tuần, cụ đồ Cung Khắc Lược mang một nỗi buồn sâu thẳm khi nền Hán học lụi tàn.
“Kiếp sau xin chớ làm người/Làm bóng mây trắng giữa trời mà bay…” Ngồi tựa lưng vào bức tường Văn Miếu-Quốc Tử Giám, ánh nhìn rưng rưng, tiến sỹ Hán học Cung Khắc Lược nghêu ngao câu thơ buồn. Một đời đeo đẳng nghiệp bút nghiên, ở tuổi gần bát tuần, cụ mang một nỗi buồn sâu thẳm khi nền Hán học lụi tàn. Mái tóc dài bạc phơ làm toát lên vẻ hiền triết. Đồ Lược ngồi đó như chứng nhân, đại diện cho một nét văn hóa truyền thống, một tầng lớp trí thức Nho học xưa. “Tiên ông lãng du” Gương mặt hằn in vết thời gian, đồ Lược say sưa giảng giải cho người khách trẻ sự thâm thúy của chữ nghĩa. “Cô có biết, với người trẻ, một trong những chữ ý nghĩa nhất là chữ gì không? Đó chính là chữ ‘mái ấm’ đấy! Dù làm gì cũng hãy nhớ lấy tổ ấm gia đình làm trọng.” Nói rồi, cụ ngẩng mặt lên nhìn trời-cái nhìn đau đáu như dõi tìm một thứ gì đó đã khuất xa. Lom khom trong tấm áo chùng thâm cũ kỹ, đồ Lược say sưa giảng đạo, đọc thơ và “ngạo tuổi” trước mưa xuân phơi phới. “Chừng nào còn đủ sức thì ta còn ra nơi địa linh [Văn Miếu-Quốc Tử Giám, PV] này. Thú lắm chứ! Hít thở cái khí thiêng của chốn kinh kỳ ngàn năm tuổi để mà được múa bút, phóng bút,” nở nụ cười hiền hậu, cụ nói. Bắt đầu cầm bút lông từ năm lên sáu, “đồ Lược có một lối thư pháp rất riêng. Cả bố cục và chữ viết đều rất phóng khoáng và cởi mở, khác với những khuôn mẫu truyền thống: Vừa thể hiện được chất bác học của con chữ vừa phô bày được sự tài hoa, lãng tử của người viết,” họa sỹ Lê Quốc Việt, Trưởng nhóm dòng thư pháp Tiền vệ Việt Nam cho hay. “Trên đất nước này, chưa ai học được khí phách ‘giang hồ’ trong lối ‘thư pháp lên đồng’ của cụ. Những lúc hào sảng, nét chữ của cụ lả lướt như rồng bay phượng múa; còn lúc buồn, nét chữ cũng trắc trở nỗi suy tư” họa sỹ nói. Rít một hơi thuốc lá thật dài, cụ bảo: “Không ít người bảo tôi ‘phá’ chữ của thánh hiền khi viết như vậy. Nhưng tôi lại không nghĩ thế.” Trong tâm niệm của thư pháp gia “lão làng” này, chữ là của bậc thánh hiền truyền lại cho hậu thế; nhưng cách viết là của người Việt. “Vậy tại sao ta lại không hình thành cho một một lối thư pháp tự nhiên của người Việt, khác với những lề luật, khuôn mẫu trong sách vở?” cụ trầm ngâm. Trong “Tứ trụ thư gia” đất Bắc, chỉ mình cụ đồ Lược có học vị Tiến sỹ nhưng cụ vẫn thường tếu táo gọi lái thành “anh tấn sỹ.” “Cũng đơn giản thôi! Bởi vì tôi chẳng muốn giống ai,” nhấp một ngụm trà ấm, cụ vui vẻ nói. Cũng bởi lẽ ấy, bạn bè vẫn thường gọi đồ là “kẻ lãng du.” Khách đến xin chữ, cao hứng lên, cụ có thể xưng “anh-em,” lúc ngà ngà lại xưng “cậu-tớ,”… Giấc mơ phố… Lật giở những bức thư pháp được gói bọc cẩn thận, đồ Lược nói: “Năm nào tôi cũng giữ lại vài bức thế này. Giá nào tôi cũng không tặng, không bán. Bởi không phải lúc nào cũng viết được thế này đâu cô ạ!” Cụ bảo, trong những chữ ấy còn chứa đựng cả những bí mật riêng tư của người cầm bút, những nỗi niềm chất chứa, dồn tụ khó có thể diễn đạt thành lời. “Với những phút thăng hoa đó, tiền bạc có là gì!” đồ Lược trải lòng. Ở tuổi gần bát tuần, cụ lấy việc cho chữ nơi vỉa hè làm niềm vui sống. “Có thể gọi đó là giấc mơ nơi hè phố của tôi, cô ạ! Làm như vậy, người đời sẽ có nhiều cơ hội để tiếp xúc với vốn văn hóa cổ truyền của cha ông hơn. Cuộc đời tôi đã trải qua nhiều biến động, sóng gió. Cái gì của cuộc đời thì trả cho đời. Nay, tôi chỉ còn chữ nghĩa giữ lại cho riêng mình,” cụ nói. Mỗi khi có khách ngỏ ý xem những bức thư pháp mà cụ coi như “báu vật” của đời mình, đồ Lược giọng đầy phấn chấn chỉ dẫn và bảo: “Tôi mong mọi người xem quá ấy chứ! Ngày nay, chẳng mấy ai quan tâm đến Hán học nữa. Buồn lắm!” Bâng khuâng nhìn dòng người tấp nập qua đường, cụ bảo: Bây giờ, ngày Xuân nhưng đâu đâu cũng chỉ thấy những biển hiệu chữ nghĩa vô hồn; bởi chúng được in công nghiệp. Thế nhưng, không phải ai xin chữ, cụ cũng cho. Cụ bảo, giữa người viết và người đến xin chữ cũng phải có mối duyên, sự giao cảm nhất định thì “khi hạ bút, chữ mới có thần,” cụ giải thích. “Anh tấn sỹ” nơi hè phố kể, có lần, chỉ cần nhìn thần sắc ai đó, bỗng thấy mê đi và hạ bút rất nhanh. Thế nhưng, có khi, mất hàng giờ đồng hồ suy ngẫm, cụ mới viết được một bức cho người đến xin chữ. Đơn giản, như cụ giải thích, những lúc đó thấy không có cảm hứng. Suốt cuộc đời, cụ đeo đẳng với chữ nghĩa như một cái nghiệp. “Đồ như sống trong một thế giới riêng, tự tạo niềm vui nỗi buồn, tách mình khỏi những xô đẩy của thực tại. Cụ mang trong mình chất uyên bác của con cháu dòng dõi Nho gia; nét tài tử, phá cách của con người tài hoa, cá tính,” họa sỹ Lê Quốc Việt nói. Thỉnh thoảng, đi qua chiếu chữ của cụ, người ta lại chắp tay “Con lạy cụ!” “Con chào thầy ạ!” Đồ khom lưng ngồi đó, ánh mắt đượm buồn như một dấu lặng giữa nhịp sống gấp gáp, hối hả./.
Tiến sỹ Cung Khắc Lược từng là giảng viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Việt Bắc và Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội). Ông cũng là cán bộ nghiên cứu của Viện Ngữ văn học và Viện Hán Nôm.

Ông là nhà nghiên cứu đầu tiên đọc thành thạo đặc trưng của tự pháp sắc phong và chữ viết thời Lê.
Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục