Ông Donald Trump, Greenland, và ''sức cám dỗ của Trung Quốc''

Greenland nằm ở rìa phía Tây của "vùng GIUK" (vùng biểu giáp ranh Greenland, Iceland và Vương quốc Anh), một yết hầu quan trọng ở Bắc Đại Tây Dương.
Ông Donald Trump, Greenland, và ''sức cám dỗ của Trung Quốc'' ảnh 1Một tảng băng lớn ở Greenland. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin asiatimes, ông Richard A. Bitzinger - một nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình chuyển đổi quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore - mới đây đã có bài bình luận về phát biểu "gây sốc" của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Đan Mạch nên bán Greenland cho Mỹ.

Theo tác giả Bitzinger, đây là một ý tưởng rõ ràng không thể thực hiện được ngay từ khi manh nha, nhưng ngay lập tức được những người ủng hộ Tổng thống Trump như nhà báo Marc Thiessen và Thượng nghị sỹ Tom Cotton tán tụng rằng đây "không phải là một ý tưởng tốt, mà là quá tốt."

Những lý do để mua Greenland

Những người ủng hộ Tổng thống Trump đã lần lại lịch sử cách đây nhiều thập kỷ, thậm chí là hàng thế kỷ, để đưa ra những sự tương đồng sau: Tổng thống Harry Truman từng đề nghị mua Greenland với giá 100 triệu USD, và nước Mỹ đã lớn lên thông qua những hoạt động thu mua như vậy, như mua vùng đất Louisiana hay Mỹ mua bang Alaska từ người Nga, hay như người Đan Mạch đã bán vùng lãnh thổ của họ ở Caribbean cho Washington (hiện nay là quần đảo Virgin thuộc Mỹ), vậy thêm một thỏa thuận mua bán bất động sản nữa thì sao?

Những người ủng hộ phong trào "Biến Greenland thành của Mỹ" cũng chỉ ra rằng hòn đảo này có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ. Greenland nằm ở rìa phía Tây của "vùng GIUK" (vùng biểu giáp ranh Greenland, Iceland và Vương quốc Anh), một yết hầu quan trọng ở Bắc Đại Tây Dương có thể được sử dụng nhằm khóa chặt hạm đội của Nga trong trường hợp xảy ra khủng hoảng (một khả năng rất khó xảy ra).

[Dư luận châu Âu về đề nghị mua Greenland của Tổng thống Trump]

Greenland cũng là nơi đặt căn cứ không quân Thule của Mỹ, nơi có hệ thống radar khổng lồ cảnh báo sớm các tên lửa đạn đạo, và cũng là tiền đồn ở phía cực Bắc của quân đội Mỹ.

Một số người có thể cho rằng một Greenland thuộc sở hữu của Mỹ sẽ là nơi hoàn hảo nhất để triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung mới.

Cuối cùng, Greenland đang trở thành một khu vực mang lại nhiều lợi nhuận vì có nguồn tài nguyên thiên nhiên giá trị như dầu mỏ và khí đốt, và đặc biệt là nguồn đất hiếm - nguyên liệu được sử dụng để chế tạo các thiết bị điện tử, pin nhiên liệu và xe điện.

Như thường lệ, Trung Quốc là nguyên nhân chính

Tuy nhiên, trên tất cả, vì Trung Quốc dường như đang quan tâm tới Greenland nên phong trào "mua Greenland" mới phát triển mạnh như vậy.

Trung Quốc - từng tuyên bố rằng họ là một "quốc gia cận Bắc cực" - gần đây đã thể hiện rằng họ rất quan tâm tới Greenland.

Đặc biệt, Trung Quốc đã tìm cách mua một căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở Greenland, và gần đây hơn, Bắc Kinh còn tìm kiếm các hợp đồng nhằm xây dựng ba sân bay trên hòn đảo này.

Hơn nữa, Trung Quốc muốn chạm tay vào trữ lượng đất hiếm của Greenland, nhằm củng cố hơn nữa sự độc quyền ngày càng lớn của họ đối với những kim loại này.

Hãy thuê, đừng mua

Tuy nhiên, không có lập luận nào ở trên đủ tính thuyết phục để khiến Mỹ phải mua Greenland. Với thực tế là Greenland không muốn bị Mỹ mua (và Đan Mạch không có quyền bán hòn đảo này), có rất nhiều việc có thể làm để giúp người dân Greenland trong khi vẫn xoa dịu được những lo ngại chiến lược của Mỹ.

Mỹ có thể đề xuất hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng của hòn đảo này - đặc biệt là sân bay và cảng biển - điều có thể mang lại lợi ích cho cả hai. Washington cũng có thể hợp tác với Greenland để khai thác các tuyến đường thương mại mới đi qua Bắc Cực.

Ngoài ra, quân đội Mỹ có thể thuê một số phần của đảo Greenland vì những mục đích quân sự mở rộng, đặc biệt là giám sát Bắc Băng Dương, trong khi các công ty của Mỹ có thể đầu tư vào việc khai thác mỏ và các ngành công nghiệp khai khoáng khác.

Không có điều gì trong số những điều nói trên buộc Mỹ phải mua Greenland. Và Washington chỉ phải bỏ ra số tiền rất nhỏ so với việc mua cả hòn đảo này.

Đặc biệt, nếu Mỹ thực sự muốn Greenland tránh xa Trung Quốc, thì Mỹ nên hợp tác với Đan Mạch và Greenland để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Greenland một cách có trách nhiệm.

Các quan hệ đối tác và hợp tác liên doanh, điều giúp thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài hợp tác với chính quyền địa phương và các công ty đang hoạt động ở Greenland, sẽ dễ dàng thành công hơn việc mua đứt hòn đảo này.

Nguồn tài chính dồi dào của Mỹ sẽ giúp Greenland và Đan Mạch chống lại "sức cám dỗ" của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ không cần làm chủ Greenland, Mỹ chỉ cần thuê lại mà thôi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục