Ông Erdogan đang thử ông Biden với đề nghị mua máy bay F-16?

Việc Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Mỹ về việc mua thêm 40 máy bay phản lực F-16 và 80 bộ dụng cụ hiện đại hóa cho các máy bay hiện có đã khiến nhiều người bất ngờ.
Ông Erdogan đang thử ông Biden với đề nghị mua máy bay F-16? ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden và Người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AFP)

Trang al-monitor.com đưa tin tuần trước, việc Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Mỹ về việc mua thêm 40 máy bay phản lực F-16 và 80 bộ dụng cụ hiện đại hóa cho các máy bay hiện có đã khiến nhiều người bất ngờ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giữa hai đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn đang kéo dài do Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga và có ý định thúc đẩy hợp tác quân sự với Moskva.

Thông tin về hợp đồng này - ước tính trị giá khoảng 7 tỷ USD - được lan truyền vài ngày sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Sochi hôm 29/9.

Sau đó, ông Erdogan đưa ra triển vọng mua lô S-400 thứ hai, ngay cả khi số phận của 4 khẩu đội hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn trong tình trạng lấp lửng, cũng như việc hợp tác sâu hơn với Nga trong các dự án hàng không vũ trụ, tàu ngầm và tàu thủy.

[Mối quan hệ khó khăn Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời của ông Biden]

Yêu cầu mua F-16 mới là quyết định hợp lý nhất mà chính quyền Ankara có thể đưa ra trong hoàn cảnh hiện nay.

Những thiếu sót của lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng trở nên tồi tệ do Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35 vì mua hệ thống tên lửa S-400 và sự chậm trễ trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu tự chế đầu tiên của nước này, cũng như thực trạng những chiếc F-16 hiện đã lỗi thời.

Giới phân tích an ninh chỉ ra rằng năng lực tác chiến trên không của Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với thách thức lớn về phát triển công nghệ trong một hoặc hai thập kỷ tới.

Cả dự án máy bay phản lực bản địa TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ và máy bay không người lái có vũ trang được sản xuất trong nước, vốn thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế thời gian gần đây, đều không có khả năng thu hẹp khoảng cách về phát triển công nghệ đó vào những năm 2030.

Do đó, việc mua những chiếc chiến đấu cơ F-16 mới và nâng cấp toàn diện những chiếc hiện có sẽ tạm thời là một giải pháp tốt.

Ngoài ra, với tư cách là nước sử dụng lâu dài và được cấp phép của nhà sản xuất F-16, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có rất nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, bảo trì và phi công.

Nhưng liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể vượt qua các rào cản chính trị? Hãng sản xuất máy bay phản lực Lockheed Martin là một tác nhân có ảnh hưởng trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và có thể thay mặt Ankara vận động hành lang.

Để vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Defense Industries Presidency - Cơ quan đấu thầu chính của Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Ankara có thể sử dụng Bộ Quốc phòng để hàn gắn với Mỹ.

Tuy nhiên, ý kiến phản đối Thổ Nhĩ Kỳ đang lan rộng ở cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm hệ thống S-400 trên máy bay phản lực F-16 trong các cuộc thử nghiệm vào tháng 11/2019, kích hoạt các radar của hệ thống do Nga sản xuất.

Việc sử dụng máy bay F-16 trong các cuộc thử nghiệm như vậy càng làm trầm trọng thêm sự phản đối của Quốc hội Mỹ đối với việc bán phương tiện quân sự lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Vậy tại sao chính quyền Ankara lại đưa ra lời đề nghị gần như không có cơ hội được Quốc hội Mỹ thông qua? Đó có phải là một động thái ngoại giao để biện minh cho mối quan hệ của Ankara với Moskva trước công chúng trong nước và cộng đồng quốc tế?

Các nguồn tin ở Ankara nói với tờ Al-Monitor rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi đề nghị này là một bài trắc nghiệm niềm tin cuối cùng với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền Biden có thể thuyết phục Quốc hội Mỹ chấp thuận thương vụ này nếu họ thực sự quan tâm đến việc ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ ngả về phía Nga.

Đề nghị này được coi như một “ngã ba đường,” với việc chính quyền Ankara chuẩn bị cho một chiến lược mới và còn tùy thuộc vào phản ứng của Washington.

Nếu câu trả lời là không, liệu chính quyền Ankara có thể chuyển hướng sang Moskva mua loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như máy bay tiêm kích hạng nặng Sukhoi Su-35?

Trong một tình tiết đáng chú ý vào tháng 8/2019, ngay sau khi Mỹ ngăn cấm Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35, Putin bảo đảm với Erdogan rằng chính quyền Ankara có thể mua máy bay Su-35 khi ông giới thiệu các công nghệ quân sự mới nhất của Nga tại một triển lãm hàng không gần Moskva.

Nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ tự hỏi có phải chính quyền Ankara đang đưa ra đề nghị mua F-16 mà chắc chắc sẽ bị từ chối này để tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán với Nga về việc mua máy bay chiến đấu hay không?

Ông Erdogan đang thử ông Biden với đề nghị mua máy bay F-16? ảnh 2Máy bay chiến đấu F-16. (Nguồn: Thisdayinaviation.com)

Việc mua các máy bay chiến đấu của Nga sẽ là một lựa chọn rất tốn kém cho Thổ Nhĩ Kỳ, vì Nga yêu cầu phải sửa đổi toàn diện các hệ thống vũ khí, hậu cần và đào tạo hiện có.

Ví dụ, máy bay tiêm kích Su-35 sẽ đòi hỏi những thay đổi căn bản về chương trình huấn luyện, thiết bị mô phỏng, cơ sở hạ tầng khác, đội ngũ phi công và thậm chí cả lý thuyết. Hơn nữa, một động thái như vậy gần như chắc chắn sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng mua hệ thống S-400 của Nga, người ta phải đặt câu hỏi rằng liệu chính quyền Ankara có còn đủ lý trí để cân nhắc về những thuận lợi và khó khăn hay không.

Trong một động thái chỉ làm phức tạp thêm những nghi ngờ như vậy, ông Erdogan đã nói chuyện trực tiếp với ông Putin ở Sochi mà không có phiên dịch chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các thành viên phái đoàn khác từ hai bên tham dự.

Kinh nghiệm về S-400 cho thấy khó có thể loại bỏ kịch bản ông Erdogan tiến tới sử dụng hệ thống tên lửa của Nga, bất chấp mọi rủi ro địa chính trị và kỹ thuật cũng như sự phản đối của giới chức an ninh ở Ankara. Tuy nhiên cần nhớ rằng một động thái như vậy sẽ là quyết định của Tổng thống Erdogan chứ không phải của Thổ Nhĩ Kỳ.

Về mặt lý trí, Thổ Nhĩ Kỳ nên làm bất cứ điều gì cần thiết để quay trở lại chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35, vốn có ý nghĩa quan trọng đối với cả năng lực tác chiến của lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ và các lợi ích kinh tế và công nghệ của ngành công nghiệp quốc phòng.

Tuy nhiên, trong những quyết định quan trọng như vậy, các ưu tiên của ông Erdogan, vốn bị ảnh hưởng bởi các tham vọng chính trị trong nước của ông, đã lấn át các ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỹ.

Và tỷ lệ tín nhiệm của Erdogan càng giảm xuống trước cuộc bầu cử vào năm 2023, thì các ưu tiên của ông càng có nhiều khả năng xung đột với lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục