Ông Gaddafi từng cảnh báo Anh về nguy cơ khủng bố tấn công châu Âu

Hồi tháng 11/2011, ông Gaddafi đã cảnh báo ông Blair rằng những kẻ cực đoan có thể tìm tới tấn công châu Âu nếu chính quyền của ông sụp đổ.
Ông Gaddafi từng cảnh báo Anh về nguy cơ khủng bố tấn công châu Âu ảnh 1Cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. (Nguồn: AFP)

Nội dung hai cuộc gọi điện giữa cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair vào ngày 25/2/2011 vừa được công bố. Đáng chú ý là trong cuộc trao đổi, ông Gaddafi đã cảnh báo ông Blair rằng những kẻ cực đoan có thể tìm tới tấn công châu Âu nếu chính quyền của ông sụp đổ.

Cụ thể, cuộc gọi đầu tiên được thực hiện lúc 11 giờ 15 sáng hôm đó và ông Gaddafi đã nói: "Chúng (những kẻ cực đoan) muốn kiểm soát khu vực Địa Trung Hải và chúng sẽ tấn công châu Âu."

Gaddafi cũng nhấn mạnh rằng ông chỉ cố bảo vệ Libya chống lại các chiến binh al-Qaeda. "Chúng tôi không chủ động chiến đấu chống chúng. Những kẻ đó đã tấn công chúng tôi. Tôi muốn cho ông biết sự thực. Chuyện chẳng có gì phức tạp cả. Có một tổ chức đã thiết lập các nhóm (khủng bố) hoạt động chìm ở Bắc Phi. Chúng được gọi là Tổ chức Al Qaeda ở Bắc Phi... Các nhóm này giống hệt với những nhóm từng hoạt động ở Mỹ trước vụ khủng bố 11/9," ông Gaddafi nói trong điện thoại.

"Chúng đã tìm cách có vũ khí và đe dọa nhân dân. Người dân không dám rời khỏi nhà. Chúng có vũ khí và đang khủng bố người dân trên phố," ông Gaddafi nói khi cuộc nội chiến ở Libya đang dần leo thang.

Trong cuộc điện thoại thứ hai, diễn ra 4 giờ sau cuộc đầu, ông Gaddafi nói với ông Blair: "Tôi sẽ phải vũ trang cho người dân và khiến họ chuẩn bị cho cuộc chiến. Người dân Libya sẽ chết và khu vực Trung Đông cũng chịu thiệt hại, giống như châu Âu và thế giới. Các nhóm vũ trang này đang dùng tình hình hiện nay (ở Libya) làm cái cớ và chúng ta phải chiến đấu chống lại chúng."

Ông Blair cũng đã gọi hai cuộc điện thoại tới cho Gaddafi, tìm cách để đưa ông này rời khỏi thủ đô Tripoli. Ba tuần sau đó, một liên minh do Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương dẫn đầu, gồm cả Anh, đã bắt đầu ném bom Libya, mở màn cho cuộc lật đổ chính quyền Gaddafi. Ông bị hạ bệ trong tháng 8 năm đó và bị sát hại vào tháng 10.

Ông Blair có quan hệ bạn bè với ông Gaddafi và đã ghé thăm nhà lãnh đạo Libya ít nhất 6 lần sau khi rời ghế Thủ tướng Anh hồi năm 2007.

Ông Blair đã gọi điện cho cả Thủ tướng Anh David Cameron và Ngoại trưởng Mỹ khi ấy, bà Hillary Clinton, trong nỗ lực thuyết phục ông Gaddafi rời khỏi Libya một cách an toàn, nhằm tránh xung đột.

Sự tồn tại của các cuộc gọi điện này chỉ được xác nhận vào năm ngoái, khi ông Blair chuyển nội dung của chúng cho Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Quốc hội Anh, nơi đang điều tra sự sụp đổ của chính quyền Libya. Phải tới tận ngày 8/1 năm nay, ủy ban mới công bố nội dung các cuộc gọi điện này.

Trong đó, ông Blair khuyên nhủ ông Gaddafi rời Libya: "Nếu ông có một nơi an toàn để đi, hãy tìm tới đó bởi chuyện này sẽ không kết thúc trong êm đẹp và sẽ phải xảy ra tiến trình thay đổi. Tiến trình thay đổi đó có thể quản lý được và chúng ta phải tìm ra cách để quản lý nó."

"Mỹ và Liên minh châu Âu hiện có quan điểm cứng rắn và tôi cần phải trao cho họ thứ gì đó để chuyện này kết thúc êm đẹp."

 ​

Ông Blair kết thúc cuộc gọi bằng câu: "Tôi muốn mang tới một lối thoát êm đẹp... Hãy giữ liên lạc."

Ngày hôm nay, người ta mới thấy rằng các cảnh báo của Gaddafi đã đúng. Libya hoàn toàn sụp đổ sau khi ông bị hạ bệ. Đất nước này vẫn đang diễn ra nội chiến và nhiều phần lãnh thổ hiện nằm dưới sự kiểm soát của các chiến binh cực đoan, có liên quan tới IS.

Trong khi đó, những kẻ khủng bố được IS gửi tới Pháp để gây ra các vụ tấn công tại Paris trong tháng 11/2015 đã làm tăng quan ngại về việc các tay súng cực đoan từ châu Phi và Trung Đông dễ dàng lọt vào châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Quốc hội Anh, nghị sỹ Crispin Blunt, nhận xét rằng nội dung các cuộc gọi điện thoại này cho thấy cái nhìn sâu hơn vào quan điểm cá nhân của Gaddafi. Uỷ ban hiện điều tra xem có phải những cảnh báo của ông Gaddafi về sự trỗi dậy của lực lượng cực đoan đã bị phớt lờ vì thái độ của ông trên các vấn đề quốc tế.

"Chứng cứ mà Ủy ban thu thập được tới nay cho thấy rằng các nhà làm chính sách phương Tây đã nhận thức kém hơn ông Gaddafi về những rủi ro mà cuộc can thiệp (vào Libya) có thể mang tới cho nhân dân Libya và các lợi ích phương Tây"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục