"Chiến lược thầm lặng"

Ông Kerry có "chiến lược thầm lặng" cho Trung Đông

Ngoại trưởng Mỹ nói ông đang tập trung cao độ vào một “chiến lược thầm lặng” để thổi luồng sinh khí mới vào tiến trình hòa bình Trung Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 8/4 cho biết ông đang tập trung cao độ vào một “chiến lược thầm lặng” để thổi luồng sinh khí mới vào tiến trình hòa bình Trung Đông, song sẽ không hấp tấp khi tìm kiếm con đường phía trước.
 
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Israel Shimon Peres, Ngoại trưởng Kerry nói ông tin rằng “việc không nghiên cứu triệt để các khả năng để thúc đẩy tiến trình hòa bình là vô trách nhiệm,” trong bối cảnh ông đang tìm cách khắc phục tình trạng ngờ vực lẫn nhau giữa Israel và Palestine trong nhiều thập niên qua.
 
Ông Kerry nêu rõ: “Tôi đang có những cuộc thảo luận để bàn về những bước đi sẽ đề cập vấn đề ngờ vực nhau, những bước đi sẽ cho phép chúng ta khởi động một tiến trình. Tôi đang tập trung cao độ vào vấn đề này và khu vực này vì việc nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình thực sự có ý nghĩa sống còn đối với các lợi ích của Mỹ và của khu vực… Đang có một chiến lược thầm lặng mà tôi muốn giữ im lặng để có cơ hội tốt nhất cho nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình.”

Ngoại trưởng Kerry bày tỏ tin tưởng nếu các bên có niềm tin để hợp tác với nhau nhằm giải quyết những bất đồng cốt lõi thì việc thiết lập một nền hòa bình giữa người Ixraen và người Palextin là có thể đạt được.

Ông Kerry cho biết mục đích chuyến thăm lần thứ ba của ông tới khu vực này trong vòng ba tuần qua không phải là để vội vã ép các bên nối lại ngay vòng đàm phán mới mà là để lắng nghe ý kiến của các bên nhằm tháo gỡ tình trạng bế tắc đã kéo dài hơn 4 năm rưỡi qua.

Mặc dù Ngoại trưởng Keri chưa đưa ra bất kỳ đề xuất mới nào, nhưng các quan chức Palestine và Arập cho biết ý định của Mỹ là hồi sinh đề xuất hòa bình năm 2002 của Liên đoàn Arập, theo đó tất cả các nước Arập sẽ công nhận Israel nếu quốc gia Do Thái này rút khỏi các vùng đất chiếm đóng trong cuộc chiến 1967 và chấp nhận tìm một giải pháp thỏa đáng cho số phận những người tỵ nạn Palestine.

Chuyến thăm của ông Kerry còn nhằm tìm kiếm các cam kết an ninh rộng rãi hơn giữa người Arập và người Ixraen cũng như vấn đề biên giới giữa hai nhà nước Israel và Palestine trong tương lai.
 
Cùng ngày, ông Kerry dùng bữa tối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và sẽ có cuộc gặp làm việc với nhà lãnh đạo này vào sáng 9/4.

Được khích lệ bởi các kết quả chuyến thăm của Ngoại trưởng Keri, Ủy ban Arập về hòa bình Trung Đông có kế hoạch sẽ cử một phái đoàn sang Wasington vào ngày 29/4 tới nhằm tiếp tục thúc đẩy việc nối lại tiến trình đàm phán hòa bình bị bế tắc từ cuối năm 2010 tới nay.

Tuy nhiên, một trở ngại cần phải vượt qua là cho tới nay, Israel vẫn phản đối các điểm chủ chốt trong đề xuất hòa bình năm 2002, trong đó có vấn đề trở lại đường biên giới năm 1967, gộp khu vực Đông Jerusalem của người Arập vào Nhà nước Palestine và hồi hương người tỵ nạn Palestine về những vùng đất mà Ixraen hiện đang chiếm giữ. Trong khi đó, Palestine tuyên bố chỉ chấp nhận trở lại đàm phán khi nào Ixraen ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái.

Trước chuyến thăm Israel và Palestine, Ngoại trưởng Kerry cũng đã tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu hối thúc Thổ Nhĩ Kỹ và Israen sớm bình thường hóa mối quan hệ đã bị đóng băng cách đây 3 năm sau vụ lính biệt kích Israel tấn công tiêu diệt một số người Thổ Nhĩ Kỳ trên con tàu chuyển hàng vào Dải Gaza bất chấp lệnh phong tỏa của Israel. Mục tiêu lớn thứ hai của ông Kerry khi có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ là thảo luận về tình hình Syria, trong đó có vấn đề người tỵ nạn.

Dự kiến trong chuyến công du kéo dài đến ngày 15/4, Ngoại trưởng Mỹ cũng thăm Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục