Ông Kim Jong-un với các chiến thuật phá vỡ đòn trừng phạt

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được đánh giá là đã thể hiện vị thế của người đứng đầu đất nước trên sân khấu quốc tế một cách hoàn hảo.
Ông Kim Jong-un với các chiến thuật phá vỡ đòn trừng phạt ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có chuyến thăm Bắc Kinh ngày 28/3. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thể hiện vị thế của người đứng đầu đất nước trên sân khấu quốc tế một cách hoàn hảo.

Ông Kim có được một cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, mở đường cho hàng loạt chuyến thăm ngoại giao trong tương lai.

Ông đã tận dụng không ít lực đẩy từ cuộc gặp với Trump ở Singapore và đang trở thành trung tâm của dư luận thế giới.

Trong suốt chuyến đi tới Singapore hồi tháng 6/2018, ông Kim Jong-un đã tìm cách thay đổi cái nhìn của dư luận quốc tế về Triều Tiên và làm suy yếu những đòn trừng phạt nhằm vào quốc gia này.

Tuy nhiên, mọi chuyện có hiệu quả hay không? Chiến lược ngoại giao của Triều Tiên rõ ràng đã cho thấy mục tiêu của Bình Nhưỡng to lớn và phức tạp đến thế nào.

“Cuộc tấn công” của ông Kim Jong-un bắt đầu bằng việc tham dự kỳ Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc hồi tháng 2 năm nay. Bình Nhưỡng đã hành xử thân thiện và còn cử một phái đoàn tới Seoul, bao gồm cả những quan chức bị cấm ra nước ngoài.

Những động thái này là để thử nghiệm sức nặng của các đòn trừng phạt và củng cố niềm tin của dư luận vào các động thái hòa bình mà ông đưa ra trước đó.

Ông Kim đã 3 lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngày 27/4, ông tiến hành một cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đánh dấu cột mốc lịch sử khi bước chân sang lãnh thổ Hàn Quốc, và sau đó tiếp tục gặp nhà lãnh đạo của miền Nam vào cuối tháng 5/2018.

Trung tuần tháng 5, Kim Jong-un đã đón tiếp một phái đoàn cấp bộ trưởng từ Ấn Độ tới thăm, chuyến thăm đầu tiên tới Triều Tiên trong suốt 20 năm qua.

Cuộc gặp lịch sử Trump-Kim diễn ra vào ngày 12/6 và ngày 10/7 ông Kim đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao tập trung vào việc củng cố quan hệ với các cường quốc là Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Kim Jong-un đã cho hồi hương hài cốt của một số binh sỹ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên vào ngày 27/7, ngày kỷ niệm thỏa thuận đình chiến trên bán đảo Triều Tiên.

Hơn thế nữa, Kim cũng cho dỡ bỏ những khẩu hiệu bài Mỹ và không tiến hành các cuộc họp để lên án Mỹ trong thời gian diễn ra lễ kỷ niệm 27/7 như mọi năm.

Ngày 1/8 vừa qua, Triều Tiên đã trả tự do cho một công dân Hàn Quốc bị bắt vì vượt biên trái phép (dù rằng vẫn còn 6 người khác đang bị giam giữ).

Bên cạnh đó, giới chức hai miền đã cùng tham gia các cuộc khảo sát môi trường và các tuyến đường sắt tại miền Bắc, làm dấy lên hy vọng về hợp tác song phương trong hoạt động bảo vệ rừng và nối liền các mạng lưới giao thông.

Ngày 7/8, Tổng thống Trump đã đề xuất Ngoại trưởng Mike Pompeo có thêm một chuyến công du tới Bình Nhưỡng để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa. Nếu chuyến đi diễn ra trong thời gian tới thì đó sẽ là chuyến công du Triều Tiên thứ 4 của quan chức ngoại giao này.

[Có phải Donald Trump đang "dạy" Triều Tiên về cách thức đàm phán?]

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ngỏ lời muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tỏ ra khá quan tâm tới một hội nghị thượng đỉnh Nhật-Triều.

Các chuyên gia ước tính GDP Triều Tiên giảm khoảng 3,5% trong năm 2017, và không ngạc nhiên khi cũng giống như nhiều lần trước, quốc gia này phải tìm cách phá vỡ hoặc hạn chế các đòn trừng phạt.

Triều Tiên còn đang hứng chịu một đợt nắng nóng diện rộng khiến mùa màng bị thiệt hại, tình trạng thiếu điện diễn ra triền miên và sức ép từ các đòn trừng phạt - có sự phối hợp của cả Nga và Trung Quốc - ngày càng mạnh mẽ hơn.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã triển khai một số cải cách có giới hạn, chẳng hạn như chuyển từ mô hình làm nông nghiệp hợp tác xã tập trung sang hộ gia đình.

Triều Tiên cũng nới lỏng các quy định và cho phép tiến hành một số cạnh tranh trong kinh tế, khuyến khích sở hữu tư nhân và "nhắm mắt làm ngơ" trước các hoạt động của chợ đen để giải tỏa bớt các nhu cầu về nguồn cung.

Tính tới nay, những động thái ngoại giao của Kim Jong-un đã đem lại nhiều kết quả cụ thể.

Không ngạc nhiên khi Trung Quốc nới lỏng các đòn trừng phạt và áp lực thực tế cũng đã giảm bớt từ sau thượng đỉnh ở Singapore.

Trung Quốc còn tuyên bố sẵn sàng đầu tư xây dựng một cây cầu cho Triều Tiên với tổng giá trị lên tới 88,4 triệu USD, dự án được xúc tiến sau khi Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa khôi phục các hoạt động thương mại như bình thường với người láng giềng phía Nam.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi vẫn xuất khẩu một phần nhiên liệu sang Triều Tiên, bất chấp lệnh cấm vận.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng tỏ ra hào hứng với cơ hội đầu tư tại Triều Tiên. Họ xem sự ấm lên trong quan hệ liên Triều là cơ hội để tiếp cận với nguồn lao động giá rẻ, các tài nguyên rộng lớn mà chưa được khai thác nhiều ở miền Bắc cũng như tiềm năng tăng trưởng tại quốc gia này.

Nhiều doanh nghiệp, như Tập đoàn Samsung C&T, cũng như nhiều quan chức ở Seoul, đã vận động Washington và Liên hợp quốc đưa ra các quy định về miễn trừ cấm vận.

Họ cho rằng nếu thương mại bị hạn chế sẽ rất khó để người ta thúc đẩy hòa bình và kêu gọi Kim Jong-un tiến tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn muốn nhìn thấy những kết quả cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa trước khi cân nhắc giảm trừng phạt.

Cho dù ông Kim có thực sự phi hạt nhân hóa Triều Tiên hay không thì ông cũng hiểu được rằng quốc gia này cần được nới lỏng trừng phạt, và việc có được mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo các quốc gia khác cũng như xây dựng một hình ảnh tích cực cho Triều Tiên trên bình diện quốc tế là cách để đạt được mục tiêu ấy.

Vì vậy, nhiều khả năng Kim Jong-un sẽ tiếp tục các động thái ngoại giao mang tính lôi kéo bằng các chuyến công du và các cử chỉ gây ấn tượng với dư luận thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục