Ông Mubarak sa thải nội các nhưng không từ chức

Tổng thống Ai Cập thông báo đã sa thải nội các và trong ngày 30/1 sẽ lập chính phủ mới để thực hiện cải cách kinh tế, xã hội, chính trị.
Sáng sớm 29/1, trong lần xuất hiện đầu tiên trên truyền hình kể từ khi bùng nổ làn sóng biểu tình tại nhiều thành phố làm 27 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak thông báo ông đã sa thải nội các và trong ngày 30/1 sẽ thành lập chính phủ mới để thực hiện cải cách kinh tế, xã hội và chính trị.

Tuy nhiên, ông tuyên bố không từ chức, cho rằng những khó khăn của đất nước không thể giải quyết bằng con đường bạo lực, đồng thời ra lệnh cho lực lượng quân đội và an ninh áp dụng mọi biện pháp cần thiết để duy trì an ninh, lập lại trật tự.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Mubarak nhấn mạnh Ai Cập cần đối thoại, chứ không phải bạo lực. Ông nêu rõ con đường cải cách mà Ai Cập đã lựa chọn là không thể đảo ngược. Chính quyền mới sẽ thúc đẩy các bước đi mới nhằm hướng tới tự do và dân chủ hơn nữa, giải quyết tình trạng thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Trong khi đó, quân đội Ai Cập đã kiểm soát Quảng trường Tahrir ở trung tâm Cairo, nơi tập trung hàng nghìn người biểu tình trong đêm 28/1 nhằm tìm cách xông vào tòa nhà Quốc hội. Trên 20 xe quân sự đã tiến vào khu vực này ngay sau nửa đêm và vây kín lực lượng biểu tình. Lực lượng an ninh đã bắn hơi cay và đạn cao su, buộc những người biểu tình dạt sang các đường phố gần đó.

Tuy nhiên, những người biểu tình vẫn hiện diện trên các đường phố bất chấp lệnh giới nghiêm mà chính phủ mới áp đặt. Theo tin mới nhất, sau bài phát biểu sáng 29/1 của Tổng thống Mubarak, những người biểu tình đã quay trở lại Quảng trường Tahrir.

Kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin những người biểu tình trước đó cũng đã tấn công trụ sở Đài truyền hình quốc gia Ai Cập ở Cairo. Theo các nguồn tin, ít nhất 20 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh trên khắp Ai Cập trong ngày 28/1 khi làn sóng biểu tình bước sang ngày thứ 4.

Tại thành phố Suez, ít nhất 13 người thiệt mạng và 75 người bị thương, trong khi tại Cairo, ít nhất 5 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Đây là đỉnh điểm của vụ bất ổn đe dọa nghiêm trọng nhất đối với ông Mubarak trong vòng 3 thập kỷ cầm quyền của ông.

Trong cuộc điện đàm 30 phút ngày 29/1 với ông Mubarak, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu chính phủ Ai Cập không sử dụng vũ lực đối với người biểu tình, dọa sẽ xem xét lại khoản viện trợ 2 tỷ USD hàng năm cho Ai Cập, đồng thời yêu cầu ngừng phong tỏa dịch vụ internet, đặc biệt là đối với hai trang mạng Twitter và Facebook. Cuộc họp cùng ngày của các quan chức an ninh Nhà Trắng đã dành tới 40 phút thảo luận về tình hình Ai Cập.

Theo các văn kiện ngoại giao mà trang mạng WikiLeaks tiết lộ trên một tờ báo Na Uy ngày 28/1, Mỹ đã "bơm" hàng chục triệu USD cho các tổ chức dân chủ ở Ai Cập. Theo một văn kiện đề ngày 6/12/2007 được đăng trực tuyến trên báo Aftenposten của Na Uy, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã lên kế hoạch chi 66,5 triệu USD trong năm 2008 và 75 triệu USD trong năm 2009 cho các chương trình "thúc đẩy dân chủ" ở Ai Cập.

Theo nguồn tin trên, Washington đã đóng góp trực tiếp nhằm "xây dựng các lực lượng đối chọi với Tổng thống Mubarak." Nhà Trắng đã công khai ca ngợi cựu Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) El Baradei, người vừa từ nước ngoài trở về Cairo để lãnh đạo cuộc biểu tình. Tuy nhiên, ngay sau khi trở về Cairô, chính phủ Ai Cập đã áp đặt lệnh quản thúc tại gia đối với ông Baradei.

Trên trang mạng xã hội Facebook, lực lượng biểu tình đã đăng tải một loạt yêu sách, yêu cầu ông Mubarak và con trai không tham gia cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, đòi giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử, bãi bỏ các luật về tình trạng khẩn cấp kéo dài nhiều thập kỷ qua, thả toàn bộ tù chính trị, kể cả những người biểu tình vừa bị bắt giữ và lập tức sa thải Bộ trưởng Nội vụ.

Phản ứng trước những diễn biến phức tạp tại Ai Cập, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ lo ngại trước tình trạng hàng nghìn người biểu tình đụng độ với lực lượng quân đội, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các nhà lãnh đạo Ai Cập ngăn chặn bạo lực leo thang.

Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi Tổng thống Mubarak có các bước đi cụ thể nhằm hướng tới cải cách chính trị, kiềm chế sử dụng bạo lực đối với người biểu tình. Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng Ai Cập cần tiến hành cải cách, trong khi Ngoại trưởng Pháp Michele Alliot-Marie kêu gọi kiềm chế và đối thoại, nhấn mạnh "chỉ có đối thoại giữa tất cả các bên mới có thể giải quyết vấn đề."

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton đề nghị giới chức Ai Cập trả tự do cho những người biểu tình bị bắt giữ.

Lo ngại trước tình hình ngày càng xấu đi ở Ai Cập, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề nghị công dân nước này không tới Ai Cập nếu không cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục