Ông Mubarak sẽ trắng án?

Ai Cập: Cựu Tổng thống Mubarak có thể sẽ trắng án

Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, bị cáo buộc sát hại người biểu tình, có thể sẽ trắng án do thiếu các bằng chứng để kết tội.
Sau hai năm, việc xét xử cựu Tổng thống Hosni Mubarak, bị cáo buộc sát hại người biểu tình, dường như không tiến triển. Ngày 14/9 vừa qua, thêm một lần nữa, Tòa án hình sự ở thủ đô Cairo tuyên bố hoãn xét xử ông Mubarak đến ngày 19/10 tới.

Các điều tra viên đã thất bại trong việc thu thập các chứng cứ cần thiết đối với bị can.

Theo luật sư Abdullah Khalil, ông Hosni Mubarak có thể được tuyên án vô tội do sự bất thường trong quá trình điều tra. Ngoài ra, cuộc điều tra đã không thu thập đủ bằng chứng kết luận. Việc "thiếu bằng chứng" là một cụm từ được lặp đi lại trong bản án.

Ông Abdallah Khalil cho biết: "Nhiều nhà lãnh đạo của chế độ Mubarak vẫn còn tại vị vài tháng sau cuộc cách mạng 25/1, trước khi bị bắt. Họ có nhiều thời gian để thủ tiêu các bằng chứng về tội ác của mình."

Như tuyên bố của luật sư tại phiên điều trần "bộ máy an ninh của nhà nước không hợp tác với các công tố viên trong cuộc điều tra."

Abdallah Mogazi, cựu nghị sỹ và là luật sư của một gia đình nạn nhân, cho rằng Viện Kiểm sát đã sai lầm khi giao trách nhiệm cho các sỹ quan cảnh sát thu thập chứng cứ có thể cáo buộc các nhà lãnh đạo của họ.

Abdallah phân tích: "Chúng ta ở trong tình trạng không bình thường, vì vậy không nên sử dụng các thủ tục bình thường. Cuộc cách mạng cần cơ chế mới và các công cụ pháp lý mới để phán xét chế độ đã bị lật đổ."

Đối với Zarea Mohamad, Giám đốc của Tổ chức Arập về cải cách hình sự, tội ác của chế độ cũ vượt xa các sự kiện được xét xử trước tòa án. Ví dụ, tham nhũng trong đời sống chính trị đã không được tìm thấy.

Ông nói: "Bộ luật hình sự không quy định khung hình phạt cho các loại hình tham nhũng. Vì vậy, để phán xét, cần sử dụng nhiều tội danh khác nhau của tham nhũng như gian lận trong cuộc bầu cử, bán tài sản thuộc khu vực công, tra tấn... Nhưng điều này đã không bao giờ được thực hiện."

Mohamad Zarea cũng cho biết các khiếu nại không liên quan đến các chủ đề này: "Người ta mất thời gian trong việc phán xét chế độ vào những ngày cuối cùng của chính quyền, đặc biệt là 18 ngày trước khi chế độ Mubarak bị sụp đổ. Các cáo buộc khác rất quan trọng, không thể bỏ qua, như trường hợp quà tặng cho các quan chức chính phủ của báo Al-Ahram" hoặc của Phủ tổng thống."

Hơn thế nữa, nhiều bộ trưởng của chế độ Mubarak đã được tuyên trắng án trước những cáo buộc tham nhũng và làm giàu bất hợp pháp. Thủ tướng cuối cùng của chế độ Mubarak, Ahmad Nazif, Bộ trưởng Du lịch Zoheir Garana và hai bộ trưởng Nhà ở của chế độ này, Ibrahim Soliman và Ahmed Al-Maghrabi, cũng trở thành người vô tội.

Ngoài Safwat Al- Sherif và Zakaria Azmi, nhiều quan chức hàng đầu của Đảng Dân chủ Quốc gia trước đây, đã được trả tự do. Tất cả các sỹ quan, quan chức an ninh cấp cao bị buộc tội sát hại người biểu tình cũng được xóa tội. Việc tha bổng cuối cùng được dành cho 14 bị cáo, trong đó có 10 cảnh sát, bị truy tố về cái chết của 17 người biểu tình tại tỉnh Suez trong ngày đẫm máu nhất của cuộc cách mạng tháng 1/2011.

Trong khi phiên tòa xét xử Moubarak chưa kết thúc, các cơ quan tư pháp Ai Cập đang chuẩn bị cho việc xét xử những lãnh đạo cấp cao của chính quyền Anh em Hồi giáo bị lật đổ. Giống như những người của chế độ Mubarak, các nhà lãnh đạo của họ bị cáo buộc giết người và kích động bạo lực.

Theo ông Zarea Mohamad, Giám đốc của Tổ chức Arập về cải cách hình sự, dường như cựu tổng thống Mohamed Morsi và những người của ông có thể bị khép tội nặng hơn Mubarak với vô số bằng chứng buộc tội. Ngoài ra, bộ máy nhà nước được huy động để "tính sổ" với Anh em Hồi giáo, những người mà họ đụng độ từ ngày đầu tiên./.

Hoàng Chiến/Cairo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục