Ông Mubarak yêu cầu chính phủ thúc đẩy dân chủ

Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak kêu gọi tân Thủ tướng Ahmed Shafik thành lập một chính phủ "đáp ứng các yêu sách của nhân dân."
Theo các nguồn tin nước ngoài, trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã có thêm nhiều động thái nhượng bộ nhằm giảm bớt làn sóng biểu tình.

Trong bài phát biểu ngày 30/1, ông Mubarak kêu gọi tân Thủ tướng Ahmed Shafik thành lập một chính phủ "đáp ứng các yêu sách của nhân dân."

Ông yêu cầu tân Thủ tướng tiến hành các biện pháp cải cách để thúc đẩy dân chủ thông qua đối thoại với phe đối lập và khôi phục niềm tin của dân chúng. Ông nhấn mạnh ưu tiên của chính phủ mới phải là hạn chế tình trạng thất nghiệp và tạo thêm nhiều việc làm mới.

Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Fathi Surur cũng có một động thái nhượng bộ khi tuyên bố kết quả cuộc bầu cử quốc hội hồi năm ngoái của nước này sẽ được "sửa" trong các quyết định sắp tới của tòa án tối cao.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh những nhóm đối lập chính tham gia các biểu tình trong mấy ngày qua đã kiên quyết đòi giải tán quốc hội và hủy kết quả cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11-12/2010 do nghi ngờ có nhiều gian lận và bạo lực tràn lan trong quá trình tranh cử, bầu cử.

Theo kết quả chính thức, Đảng Dân chủ Quốc gia (NDP) cầm quyền của ông Mubarak đã giành được 80% số ghế trong cuộc bầu cử này.

Các nhân chứng tại chỗ còn cho biết, song song với các động thái nhằm giảm bớt căng thẳng, ông Mubarak cũng tiến hành một số biện pháp tăng cường an ninh nhằm đối phó với làn sóng biểu tình. Theo đó, ngày 31/1, cảnh sát Ai Cập sẽ được tái triển khai trên khắp các đường phố ở thủ đô Cairo và nhiều thành phố khác trong cả nước, mặc dù trước đó, cảnh sát đã được lệnh rút đi sau khi quân đội được điều động nhằm khôi phục trật tự tại các thành phố khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ lan rộng.

Tuy vậy, một nguồn tin an ninh cho biết, dù cảnh sát sẽ quay trở lại, nhưng chỉ đảm nhận công tác bảo đảm an toàn giao thông, chống tội phạm, cướp bóc chứ không trấn áp người biểu tình.

Trước đó, ngày 30/1, ông Mubarak đã ra lệnh kéo dài lệnh giới nghiêm từ 15 giờ chiều tới 8 giờ sáng hôm sau tại thủ đô Cairo, thành phố Alexandria và thành phố Suez. Như vậy, thời gian của lệnh giới nghiêm đã được kéo dài dần kể từ khi ông Mubarak lần đầu tiên ban bố tại ba thành phố trên hôm 28/1 vừa qua, cho dù trên thực tế lệnh này dường như không được tuân thủ.

Truyền thông nhà nước Ai Cập còn đưa tin, Tổng thống Mubarak ngày 30/1 đã đi thăm Sở chỉ huy quân đội và thảo luận với các tư lệnh hàng đầu về biện pháp đối phó với làn sóng biểu tình. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ được cải thiện. Hàng nghìn người biểu tình tiếp tục cố thủ tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô bất chấp lệnh giới nghiêm.

Hàng loạt các vụ trốn tù, giết chóc và tình trạng vô chính phủ ngày càng gia tăng vào thời điểm cuộc nổi dậy chống chính phủ bước sang ngày thứ sáu. Một phóng viên AFP đã nhìn thấy 14 thi thể trong một đền thờ gần nhà tù Abu Zaabal của Cairo, mà theo một cư dân là xác của hai cảnh sát và số còn lại là tù nhân.

Những tiếng súng đã vang lên tại khu vực cạnh đó và một cư dân cho biết tất cả tù nhân đã trốn thoát, trong khi nhiều người khác đã bị giết. Các trạm xăng bị hết sạch nhiên liệu, các máy rút tiền tự động bị cướp phá hoặc không còn hoạt động được.

Du khách, người nước ngoài và người Ai Cập lo sợ đã đổ xô tới sân bay quốc tế Cairo để tìm vé lên máy bay rời khỏi quốc gia này. Thị trường chứng khoán và các ngân hàng Ai Cập được lệnh đóng cửa trong ngày 30/1.

Kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin, số người thiệt mạng trong các vụ biểu tình trên khắp Ai Cập tính đến ngày 30/1 đã lên tới 150 người. Al-Jaezera cũng cho biết kênh này đã bị Bộ Thông tin Ai Cập yêu cầu phải dừng hoạt động tại nước này và tính đến cuối ngày, tín hiệu của đài này tới một số khu vực ở Trung Đông đã bị cắt.

Trước tình trạng hỗn loạn kể trên, ngày 30/1, một loạt chính phủ nước ngoài như Mỹ, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia,  Agentina và Ấn Độ... đã bắt đầu sơ tán công dân của họ khỏi Ai Cập.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với các nhà lãnh đạo Israel, Arập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ai Cập và đề nghị các nhà lãnh đạo này cùng đánh giá tình hình.

Ông Obama đã nhắc lại lời kêu gọi phi bạo lực và kiềm chế, "đồng thời ủng hộ sự chuyển giao có trật tự cho một chính quyền đáp ứng những nguyện vọng của người dân Ai Cập." Cũng qua điện đàm, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hối thúc Tổng thống Ai Cập Mubarak thực thi những cải cách mà ông từng cam kết với những người biểu tình hồi đầu tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục