Ông Nguyễn Anh Tuấn: “Sẽ vào VietNamNet hàng ngày”

Nguyên Tổng biên tập VietNamNet nói, điều ông chưa làm được chính là việc “đào tạo ra một đội ngũ lãnh đạo trẻ đủ sức đột phá.”
Rời “đứa con” sau 14 năm gắn bó, nguyên Tổng biên tập báo VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn nói rằng điều ông trăn trở và chưa làm được chính là việc “chưa đào tạo ra một đội ngũ lãnh đạo trẻ đủ sức đột phá, đưa tờ báo lên tầm cao mới.”

Giã từ nơi được cho là “mốc sự nghiệp quan trọng” của đời mình, ông Tuấn chỉ mong VietNamNet sẽ tiếp tục con đường đã đi, phục vụ và đáp ứng được kỳ vọng của bạn đọc và làm được những điều mà ông chưa làm được.

Mong VietNamNet giữ bản sắc...

Trong buổi trò chuyện riêng với phóng viên Vietnam+ sau khi chính thức thôi việc tại báo VietNamNet, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, đây là khoảng thời gian ông được trở lại với môi trường nghiên cứu, sáng tạo, được thoải mái hơn để đưa ra những quyết định cho tương lai.

14 năm gây dựng VietNamNet trở thành một tờ báo mạng uy tín tại Việt Nam, ông Tuấn kể rằng ông “rất hiếm khi xem mình đã làm được gì, mà chỉ xem mình chưa làm được gì để cố gắng hoàn thành.”

Nhưng ông cũng nói, có lẽ điều đã làm được chính là việc trân trọng tâm huyết, trí tuệ của bạn đọc, của cộng tác viên, và VietNamNet là tờ báo được nhân sỹ, trí thức gần gũi.

Bên cạnh đó, VietNamNet cũng có một đội ngũ biên tập viên “có lửa,” đội ngũ phóng viên sẵn sàng lao vào điểm nóng. “VietNamNet được như hôm nay, đó chính là chúng tôi luôn tâm nguyện phục vụ bạn đọc, tạo ra cá tính riêng của tờ báo,” ông chia sẻ.

Rời khỏi VietNamNet, vị Tổng biên tập này nói ông “không tiếc.” Điều ông bâng khuâng là tình cảm lưu luyến của những cộng sự ở VietNamNet.

Ông Tuấn cũng cho biết, thời gian 14 năm làm lãnh đạo VietNamNet cũng là khoảng thời gian dài, và đến lúc ông phải có một hướng đi khác. Đây cũng là “cơ hội để anh em lớn lên nhiều hơn.”

Song, điều ông trăn trở và chưa làm được chính là việc “chưa đào tạo ra một đội ngũ lãnh đạo trẻ đủ sức đột phá, đưa tờ báo lên tầm cao mới...”

Ông cho rằng cán bộ trẻ sẽ có những khiếm khuyết riêng. Vấn đề quan trọng là tấm lòng, nhiệt huyết và năng lực của họ. Người lãnh đạo phải hiểu rõ điều đó để khích lệ họ, độ lượng với những khiếm khuyết, giúp họ phát triển, phải tin cậy và trao quyền cho họ.

Ra đi khỏi tờ báo được cho là “mốc sự nghiệp quan trọng” của đời mình, ông Tuấn chỉ mong VietNamNet sẽ tiếp tục con đường đã đi, phục vụ và đáp ứng được kỳ vọng của bạn đọc, của nhân dân và làm được những điều mà ông chưa làm được.

“Tôi hy vọng Tổng biên tập mới sẽ truyền được lửa cho anh em,” ông Tuấn nói.

Không nhập quốc tịch Mỹ

Bây giờ, điều quan tâm nhất của ông Tuấn chính là nghĩ tới một giai đoạn mới, nghiên cứu và sáng tạo.

Từ năm 2008, ông Tuấn là cố vấn của Trường kinh doanh Harvard. Trước khi quyết định nộp đơn nghỉ việc tại VietNamNet [ngày 2/3/2011 - PV], ông đã được mời làm cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm Báo chí chính trị và chính sách công (thuộc Đại học Harvard, Mỹ) vào đầu tháng 2/2011.

“Điều quan trọng Harvard là nơi tập trung trí tuệ của thế giới. Khi làm việc ở đây, tôi sẽ có điều kiện học hỏi, nâng cao trình độ.”

Ông nói, sẽ “không nhập quốc tịch Mỹ,” và trung bình mỗi năm ông sẽ về Việt Nam ở và làm việc khoảng 4-5 tháng.

Nói về chức danh Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, ông Tuấn cho hay được mời tham gia Hội nhưng chắc chỉ ở góc độ tham gia phụ giúp, còn vai trò chính là Chủ tịch và Tổng thư ký Hội. Song, ông hy vọng Hội Truyền thông số sẽ phát triển “cho ra Hội” và ông sẽ dành thời gian suy nghĩ để đưa ra ý tưởng đóng góp cho Hội.

Nguyên Tổng biên tập VietNamNet cũng bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ các thành viên của VietNamNet cũng như đồng nghiệp khác trong nước về chia sẻ góc nhìn báo chí, nhiệt huyết với nghề báo và những khó khăn khác.

“Rời VietNamnet, tôi luôn mong tờ báo phát triển mạnh mẽ hơn. Với tôi, VietNamNet là quãng thời gian không thể quên trong cuộc đời. Ngày nào tôi cũng sẽ vào VietNamNet để đọc,” ông Tuấn nói./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục