Ông Obama: Mỹ triển khai bộ binh chống IS “sẽ là một sai lầm”

Các nghị sỹ của đảng Cộng hòa đang kêu gọi chính quyền Washington triển khai lực lượng bộ binh tại Trung Đông, huấn luyện các tay súng chống IS và ngăn chặn người tị nạn Syria vào Mỹ.
Ông Obama: Mỹ triển khai bộ binh chống IS “sẽ là một sai lầm” ảnh 1(Nguồn: AFP/Getty Images)

Trong bối cảnh giới lập pháp đảng Cộng hòa kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hoành hành tại Iraq và Syria, nhiều chuyên gia về chống khủng bố cảnh báo những biện pháp được đề xuất có thể khiến mối đe dọa đến từ IS thêm trầm trọng hơn.

Hiện các ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2016 của đảng Cộng hòa, các nghị sỹ và một số quan chức nước này đang kêu gọi chính quyền Washington triển khai lực lượng bộ binh tại Trung Đông, sử dụng sức mạnh không quân để tạo ra một vùng an toàn tại Syria nhằm huấn luyện các tay súng chống IS và ngăn chặn người tị nạn Syria vào Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia chống khủng bố của Mỹ nhận định việc đẩy lui mối đe dọa từ IS là một tiến trình lâu dài và phức tạp, đồng thời cảnh báo nhiều khả năng sẽ xảy ra các cuộc tấn công đẫm máu tại châu Âu và Bắc Mỹ trong giai đoạn này.

Họ cũng cho rằng một số biện pháp được giới chức nước này đề xuất sau loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) hồi cuối tuần qua, như việc triển khai bộ binh tại Iraq và Syria, có nguy cơ tạo "hiệu ứng ngược" khiến IS càng có cớ gieo rắc niềm tin rằng tổ chức này đang bảo vệ những người Hồi giáo chống lại một cuộc tấn công của phương Tây và các đồng minh Arab.

Chuyên gia Daniel Benjamin, cựu nhân viên về lĩnh vực chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng "trong hoàn cảnh như trên, rất nhiều phần tử cực đoan trong xã hội Syria và Iraq sẽ kích động người dân và kêu gọi tiến hành các hoạt động tàn bạo nhất."

Giới chuyên gia cũng cảnh báo khả năng Quốc hội Mỹ tạm dừng kế hoạch tiếp nhận người tị nạn Syria, xuất phát từ những lo ngại liên quan đến các báo cáo chưa được kiểm chứng rằng một trong những kẻ tấn công khủng bố tại Paris đã trà trộn vào dòng người di cư từ Syria đến châu Âu, cũng có thể đã được IS tính đến.

Lệnh cấm này có thể làm bùng phát sự phẫn nộ và chia rẽ trong cộng đồng tín đồ Hồi giáo tại châu Âu và Bắc Mỹ, từ đó tạo cơ hội cho IS đạt được mục tiêu kích động xung đột giữa người Hồi giáo và Phương Tây.

Để cuộc chiến chống IS đạt hiệu quả, các chuyên gia cho rằng Mỹ cần tiếp tục tăng cường các cuộc không kích, thúc đẩy việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước, đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào nguồn tài chính của IS và triển khai lực lượng đặc nhiệm Mỹ đến hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq và lực lượng đối lập Syria.

Chuyên gia Thomas Lynch tại Đại học Quốc phòng, cựu trợ lý đặc biệt của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho rằng Pháp, Bỉ và các nước châu Âu cần đóng góp thêm các nguồn lực để củng cố hoạt động tình báo và chống khủng bố của các nước này.

Những nước này cần triển khai một số thay đổi như cho phép những cơ quan phụ trách các hoạt động tình báo và chống khủng bố có quyền kéo dài thời gian bắt giữ các nghi phạm khủng bố để thẩm vấn trên 24 giờ, cũng như cho phép tiến hành các cuộc truy quét nhằm đập tan các âm mưu khủng bố.

Hiện chiến lược chống IS của Chính quyền Tổng thống Obama đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nghị sỹ đảng Cộng hòa khi cho rằng Mỹ cần triển khai bộ binh đến hai Iraq và Syria thay vì chỉ dựa vào các chiến dịch không kích và sự hỗ trợ của lực lượng các nước sở tại.

Tuy nhiên, trong một phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Obama khẳng định việc Mỹ triển khai bộ binh để tác chiến chống lại nhóm IS “sẽ là một sai lầm” và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông nói rằng liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu sẽ đẩy mạnh các nỗ lực thực thi chiến lược đang theo đuổi hiện nay thay vì chuyển sang một hướng đi khác, nhấn mạnh yếu tố quyết định để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria là giảm quy mô lãnh thổ IS đang chiếm đóng và bàn giao cho các lực lượng sở tại.

Ông tái khẳng định Washington không có kế hoạch triển khai lực lượng lính chiến đấu quy mô lớn tới Syria hoặc Iraq để đối phó với IS.

Dù bị nhiều nghị sỹ Cộng hòa chỉ trích, chiến lược chống IS này của Tổng thống Obama đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Mỹ.

Theo kết quả thăm dò dư luận chung được Reuters/IPOS công bố ngày 16/11, có tới 76% người dân nước này phản đối việc chính quyền triển khai bộ binh tới Iraq hoặc Syria, dù đa số đều muốn Mỹ tăng cường các nỗ lực chống IS sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục