Ông Putin: Hệ thống tài chính phi tập trung có lợi cho KT toàn cầu

Tổng thống Nga cho rằng hệ thống tài chính phi tập trung sẽ giúp nền kinh tế thế giới giảm thiểu tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng ở những quốc gia có lợi thế nắm giữ tiền tệ dự trữ toàn cầu.
Ông Putin: Hệ thống tài chính phi tập trung có lợi cho KT toàn cầu ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin TASS của Nga, ngày 24/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ chỉ được hưởng lợi từ việc hình thành một hệ thống tài chính quốc tế phi tập trung. 

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Á-Âu lần thứ hai ở thủ đô Moskva, Tổng thống Putin nhấn mạnh cần phải phối hợp các nỗ lực chung nhằm tạo ra một hệ thống tài chính toàn cầu phi tập trung mới, mang lại lợi ích và sự ổn định cho nền kinh tế thế giới.

Ông cho rằng một hệ thống tài chính phi tập trung sẽ giúp nền kinh tế thế giới giảm thiểu những tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng ở các quốc gia có lợi thế nắm giữ tiền tệ dự trữ toàn cầu.

Theo nhà lãnh đạo Nga, điều này sẽ tăng cường tính bảo mật không chỉ của các giao dịch thanh toán mà còn của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, đồng thời sẽ giúp những hoạt động trong lĩnh vực kinh tế không bị chính trị hóa.

Theo Tổng thống Putin, Nga đang tìm cách giảm tỷ trọng tiền tệ của các quốc gia không thân thiện trong hoạt động thanh toán và có kế hoạch hợp tác tích cực hơn với các đối tác trên khắp thế giới và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), đặc biệt là chuyển đổi hoàn toàn sang các loại tiền tệ quốc gia.

[Nga và Trung Quốc sẵn sàng mở rộng quan hệ kinh tế thương mại]

Ông cho biết nhiều nền kinh tế đang phát triển nhanh khác trên thế giới hiện đang chuyển sang sử dụng tiền tệ quốc gia trong các giao dịch thương mại quốc tế, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Mỹ Latinh. 

Nhà lãnh đạo Nga đánh giá chủ đề của diễn đàn năm nay "Hội nhập Á-Âu trong một thế giới đa cực" là rất phù hợp trong bối cảnh thế giới đang trải qua "những thay đổi cơ bản."

Nhiều nước đang theo đuổi các chính sách đối nội-đối ngoại độc lập và ủng hộ việc xây dựng một hệ thống quan hệ kinh tế toàn cầu mới và công bằng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục