Ông Trump có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc

Bộ trưởng Tài chính Mỹ ủng hộ quan điểm của Tổng thống Trump cho rằng người đứng đầu nước Mỹ có thể buộc các doanh nghiệp Mỹ ngừng hoạt động tại Trung Quốc, song lưu ý rằng ông đã không làm như vậy.
Ông Trump có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 25/8 đã ủng hộ quan điểm của Tổng thống Donald Trump cho rằng người đứng đầu nước Mỹ trên thực tế có thể buộc các doanh nghiệp Mỹ ngừng hoạt động tại Trung Quốc, song lưu ý rằng ông đã không làm như vậy.

Theo ông Mnuchin, quyền hạn trên của Tổng thống Mỹ được quy định trong Đạo luật các quyền về kinh tế khẩn cấp quốc tế đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1977.

Đạo luật này cho phép Tổng thống Mỹ có quyền điều chỉnh hoạt động thương mại quốc tế trong tình huống gặp phải “một mối nguy to lớn và bất thường” từ nước ngoài đối với nền kinh tế, chính sách ngoại giao hay an ninh quốc gia của Mỹ.

Tuy vậy, đạo luật này chưa bao giờ được sử dụng để giải quyết xung đột thương mại.

Theo ông Mnuchin, Chính phủ Mỹ mong muốn các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại những thị trường mà các đối tác thương mại tôn trọng và thực hiện hoạt động thương mại với nước này một cách công bằng.

Trước đó, ngày 23/8 vừa qua, Tổng thống Trump đã đưa ra khuyến cáo trên ngay trước khi thông báo Washington sẽ tăng thêm 5% thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thông báo của Tổng thống Trump được đăng tải trên Twitter nêu rõ Mỹ sẽ tăng mức thuế hiện tại lên số hàng hóa nhập từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD từ mức 25% lên 30% từ ngày 1/10 tới.

Đồng thời, ông Trump cũng tuyên bố tăng mức thuế dự kiến áp với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại trị giá 300 tỷ USD từ 10% lên 15%.

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra vài giờ sau khi khi Bắc Kinh công bố kế hoạch áp thuế trả đũa với số hàng hóa nhập từ Mỹ trị giá 75 tỷ USD.

[Người cầm cân nảy mực trong quyết sách thương mại của ông Trump]

Trung Quốc cũng sẽ xúc tiến áp mức thuế 25% với ôtô nhập khẩu và 5% với các phụ tùng ôtô nhập khẩu từ Mỹ vốn đã bị trì hoãn từ hồi tháng 12/2018.

Trong khi đó, Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow, hiện cũng đang có mặt tại Pháp để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7, cho rằng Tổng thống Mỹ có quyền cấm các doanh nghiệp Mỹ có hoạt động sản xuất-kinh doanh tại Trung Quốc song hiện không thực hiện điều này.

Theo ông Kudlow, các doanh nghiệp Mỹ nên quay trở lại thị trường Mỹ, hiện có mức thuế doanh nghiệp rất thấp trong khi Washington đang triển khai các chương trình cắt giảm các quy định.

Trong khi đó, Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ đã đưa ra phản ứng mạnh với tuyên bố mới của Tổng thống Trump.

Phó Giám đốc phụ trách quan hệ chính phủ David French nhấn mạnh, với một môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều bất ổn như hiện nay, các doanh nghiệp nước này không thể lên kế hoạch cho tương lai.

Ông French cho rằng cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump rõ ràng không hiệu quả, đồng thời khẳng định việc đánh thuế cao hơn vào doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ không phải là một giải pháp.

Theo Viện nghiên cứu Rhodium, từ năm 1990 đến năm 2017, doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư tổng cộng 256 tỷ USD vào Trung Quốc, trong khi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư 140 tỷ USD vào Mỹ.

Đến nay, một số công ty, đặc biệt hoạt động trong lĩnh vực điện tử và may mặc, đã bắt đầu điều chỉnh các chuỗi cung ứng của họ và "để mắt" đến các cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc, nhất là những nước có chi phí nhân công thấp.

Tuy nhiên, giới quản lý doanh nghiệp Mỹ cho biết kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc đòi hỏi nhiều thời gian./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục