Ông Trump sẽ chọn kinh tế đất nước hay cuộc chiến thương mại?

Tổng thống Donald Trump và các cố vấn của ông đã đổ lỗi cho Fed và một loạt chính phủ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc và Đức, về sự suy thoái kinh tế rõ rệt, đặc biệt là trong ngành chế tạo của Mỹ.
Ông Trump sẽ chọn kinh tế đất nước hay cuộc chiến thương mại? ảnh 1Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Long Beach ở Los Angeles, bang California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, Nhà Trắng đang ngày càng tỏ ra bốc đồng và không nhất quán trong các tuyên bố của mình về kinh tế và thương mại khi mà những mâu thuẫn nội tại giữa các chính sách của họ trở nên rõ ràng hơn.

Tổng thống Donald Trump và các cố vấn của ông đã đổ lỗi cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và một loạt chính phủ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc và Đức, về sự suy thoái kinh tế rõ rệt, đặc biệt là trong ngành chế tạo của Mỹ.

Ông nói: “Lãi suất của Mỹ quá cao. Đồng USD quá mạnh. Các chính phủ nước ngoài đang thao túng các đồng tiền của họ để đạt được một lợi thế cạnh tranh không công bằng. Các thỏa thuận thương mại trước đây đều chỉ có lợi cho một phía."

Theo chính quyền Mỹ, tất cả các nước như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và hàng loạt nước khác đều có lỗi vì đã đưa ra những chính sách thương mại và tài chính gây tổn hại cho Mỹ.

Tuy nhiên, sau hơn hai năm nỗ lực mạnh mẽ nhằm cải tạo chính sách quốc tế của Mỹ bằng cách đánh thuế nhằm gia tăng ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán thương mại, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tăng với tỉ lệ 15% hàng năm.

Những nguyên nhân sâu xa của sự thâm hụt

Không có bằng chứng nào thể hiện đồng tiền Mỹ bị đánh giá quá cao hay sự đánh giá sai về tiền tệ góp phần vào sự thâm hụt thương mại của Mỹ.

Tỷ giá hối đoái của đồng USD với giỏ tiền tệ của các nước khác vẫn tương đương mức trung bình lâu nay, vốn đã được điều chỉnh vì các tỷ lệ lạm phát khác nhau. Thay vào đó, sự thâm hụt xuất phát từ thực tế rằng Mỹ đã chi nhiều cho đầu tư vào xây dựng, trang thiết bị và phần mềm mới hơn so với những gì họ tiết kiệm từ ngân sách nhà nước, chênh lệch từ các khoản vay của nước ngoài.

Thâm hụt càng tăng nhanh do nền kinh tế Mỹ phát triển nhanh hơn các nền kinh tế của các đối tác thương mại lớn khác của họ. Như một kết quả của sự chênh lệch tỷ lệ tăng trưởng, nhu cầu về hàng nhập khẩu ở trong nước phát triển nhanh hơn so với nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng của Mỹ ra các thị trường hải ngoại.

[Bộ Tài chính Mỹ chưa có kế hoạch can thiệp thị trường tiền tệ]

Các chính sách thuế quan và trừng phạt của chính quyền đã khiến sự thâm hụt càng trầm trọng hơn khi góp phần vào sự suy thoái nghiêm trọng trong tăng trưởng của Trung Quốc và phần còn lại của châu Á cũng như châu Âu, vốn đang giảm bớt nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Mỹ đã tụt giảm 1,5% trong ba tháng từ tháng 4 đến tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, mức sụt giảm nhanh nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây. Lần gần nhất hàng xuất khẩu Mỹ sụt giảm là trong giai đoạn suy thoái của năm 2015-2016 và trước đó là trong giai đoạn suy thoái 2008-2009.

Chiến tranh thương mại trường kỳ

Sự sụt giảm tỷ lệ xuất khẩu đã tác động trở lại Mỹ, góp phần gây ra một sự suy thoái trong nền kinh tế nội địa, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo, vốn là ngành dễ bị tổn hại trong thương mại, và ngược lại cũng làm hạn chế nhu cầu nhập khẩu.

Nếu xét về thị phần nhập khẩu và xuất khẩu trong GDP, nền kinh tế có quy mô châu lục của Mỹ ít cởi mở hơn rất nhiều so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thương mại lên tăng trưởng nội địa được thể hiện rõ trong sự tăng tốc và giảm tốc diễn ra gần như cùng lúc của xuất khẩu và nhập khẩu trong suốt 25 năm qua.

Chính quyền Trump đang xúc tiến một cuộc chiến tranh làm tổn hao sinh lực của Trung Quốc và các đối tác thương mại khác, và một trong số các hậu quả cũng đã giáng vào sự tăng trưởng trong nước.

Bằng cách sử dụng toàn bộ nền kinh tế Mỹ làm vũ khí để đạt được các mục tiêu thương mại, ngoại giao và an ninh, chính quyền chắc chắn đã khiến các công ty trong nước phải chịu tổn hại khi xung đột xảy ra.

Kinh nghiệm từ 1/4 thế kỷ trước cho thấy con đường tin cậy duy nhất để giảm thâm hụt thương mại là đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, và như vậy chính quyền nên cẩn trọng với những gì mà họ mong muốn.

Đổ lỗi cho Fed

Nhà Trắng đã đổ trách nhiệm cho Fed vì tăng lãi suất quá mạnh và khiến nền kinh tế giảm tốc, và đang gây áp lực chính trị cực đại để lãi suất được giảm đáng kể.

Tuy nhiên, chưa rõ Fed có phải nhân tố chính gây ra sự giảm tốc này hay là họ có thể làm nhiều thứ để đảo ngược sự giảm tốc nếu chính quyền vẫn tiếp tục leo thang các cuộc chiến thương mại. Sự giảm tốc của nền kinh tế xảy ra đồng thời với hàng loạt đợt áp thuế liên tục chứ không phải là với những thay đổi về lãi suất.

Cũng như vậy, trái phiếu và chứng khoán phản ứng với sự thăng trầm của cuộc chiến thương mại nhiều hơn là với chính sách lãi suất.

Fed không thể giảm thâm hụt thương mại, dù họ có giảm lãi suất một cách tích cực, do thâm hụt bắt nguồn từ sự chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư cũng như tỉ lệ tăng trưởng khác biệt giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới.

Nếu Fed cắt giảm lãi suất thì kênh lưu thông tiền tệ chính sẽ phải thông qua việc khuấy động các hoạt động thương mại nhạy cảm về lãi suất và đầu tư nhà đất, điều sẽ làm cho thâm hụt càng trầm trọng thêm.

Về lý thuyết, Fed có thể giảm lãi suất và khôi phục chương trình mua trái phiếu của mình, với mục đích, trực tiếp hoặc gián tiếp, làm giảm tỷ giá hối đoái và củng cố xuất khẩu cũng như giúp đỡ các doanh nghiệp cạnh tranh nhập khẩu. Tuy nhiên, tỉ giá hối đoái sẽ chỉ yếu đi nếu các ngân hàng trung ương khác không phù hợp với sự giảm lãi suất và mua trái phiếu của Fed, vốn là điều không thể.

Với thực tế là hầu hết các đối tác thương mại quan trọng của Mỹ đều đang trải qua một giai đoạn giảm tốc còn nghiêm trọng hơn, không chắc là họ có thể kìm chế việc cắt giảm lãi suất hoặc có ý định tăng giá trị đồng nội tệ của họ và giảm cạnh tranh. Nếu các ngân hàng trung ương lớn khác đồng loạt cắt giảm lãi suất và bắt đầu mua trái phiếu trở lại, đồng USD chắc hẳn sẽ tăng giá chứ không phải là giảm giá.

Nền kinh tế Mỹ có xu hướng phản ứng nhanh với những kích thích tiền tệ hơn là so với khu vực đồng euro, Nhật Bản, Trung Quốc hay bất cứ đối tác thương mại lớn nào khác. Vì vậy, nếu lãi suất Mỹ bị giảm, và Mỹ đạt được mục tiêu là tăng giá trị chứng khoán và kích thích đầu tư trong nước thì kết quả khả thi nhất sẽ là đồng USD tăng giá và thâm hụt thương mại càng tăng.

Cuối cùng, các chính sách kinh tế của Nhà Trắng vẫn mâu thuẫn. Chính quyền không thể có được sự tăng trưởng mạnh mẽ, một thị trường chứng khoán tiến triển tốt và một sự thâm hụt nhỏ nếu vẫn tiếp tục cuộc chiến thương mại thường kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục