Ông Trương Hòa Bình dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận

Để kịp thời nắm bắt thời cơ và vận hội, biến nó thành giá trị hiện thực cho sự phát triển của địa phương, Ninh Thuận cần đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, coi trọng dự báo tình hình...
Ông Trương Hòa Bình dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận ảnh 1Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 23/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy truyền thống đoàn kết; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, kinh tế biển là động lực, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm thu hẹp khoảng cách thu nhập so với bình quân cả nước; bảo đảm quốc phòng-an ninh” đã khai mạc với sự tham dự của 349 đại biểu, đại diện cho hơn hơn 15.500 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Ông Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng ủy Khu V, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Yên Bái, tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận đã tham dự Đại hội.

Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Trương Hòa Bình đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí nhấn mạnh: Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, là sự kiện mở đầu cho giai đoạn với sức phát triển nhanh và bền vững hơn.

Nhiệm kỳ qua tuy có nhiều thách thức nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các đột phá chiến lược về quy hoạch phát triển.

Kinh tế tiếp tục có bước phát triển khá, một số ngành, lĩnh vực phát triển nhanh và tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước; đưa thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đạt tiêu chí đô thị loại II.

Văn hóa xã hội có chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực được nhân lên, công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, khí hậu khắc nghiệt do hạn hán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân nhưng kết quả mà tỉnh đạt được rất đáng trân trọng và tự hào, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và công cuộc đổi mới của đất nước.

Ông Trương Hòa Bình lưu ý: Kinh tế tỉnh Ninh Thuận tuy có tăng trưởng nhưng chưa hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; khai thác những tiềm năng và lợi thế chưa hiệu quả, nhất là lợi thế về phát triển nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo; chưa tạo ra những sản phẩm chủ lực, có thương hiệu gắn với thế mạnh của tỉnh.

Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn hạn chế; đời sống đồng bào ở miền núi còn nhiều khó khăn; chất l​ượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Chất lượng xây dựng Đảng chưa được phát huy, cán bộ trẻ, cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức.

 ​

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng còn nhiều bất cập, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng còn có những hạn chế nhất định; tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, công tác quản lý Nhà nước còn hạn chế.

Ông Trương Hòa Bình cũng gợi mở: Ninh Thuận là một tỉnh có biển, đồng bằng và miền núi, hệ thống giao thông có nhiều thuận lợi, nằm trên trục giao thông lớn của cả nước, nằm trong khu vực duyên hải miền Trung đang khởi sắc, ở gần vùng Tây Nguyên với tiềm năng kinh tế lớn và gần miền Đông Nam bộ năng động, Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, tạo động lực mới cho phát triển đầu tư nhanh, bền vững.

Để kịp thời nắm bắt thời cơ và vận hội, biến nó thành giá trị hiện thực cho sự phát triển của địa phương, trong thời gian tới Ninh Thuận cần đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, coi trọng dự báo tình hình, tập trung tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và mọi người dân cùng tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Để đạt được điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ phải đoàn kết một lòng, đổi mới toàn diện, năng động sáng tạo, trách nhiệm và quyết tâm cao trong mỗi việc làm, mỗi hành động. Bên cạnh đó, cần tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, bám sát các quy hoạch vùng, tiểu vùng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể của tỉnh đã được phê duyệt để xác định đúng các khâu đột phá, tạo bước phát triển mới.

Ngoài ra, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước, tăng cường kêu gọi xúc tiến đầu tư vào du lịch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng, phát triển công nghiệp vừa và nhỏ.

Trong tình hình điều kiện khí hậu biến đổi khốc liệt, tỉnh Ninh Thuận cần tập trung rà soát, đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có khả năng chịu hạn gắn với ứng dụng công nghệ cao, tập trung triển khai các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm giống thủy sản chất lượng cao của cả nước...

Theo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ qua tỉnh Ninh Thuận hoàn thành 19/25 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế tiếp tục ổn định và tăng trưởng; tổng sản phẩm nội tỉnh tăng bình quân 11,2%/năm; thu ngân sách đạt 1.800 tỉ đồng, tăng gấp 2,03 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,45 lần so năm 2010. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 33.155 tỉ đồng, bằng 1,95 lần so giai đoạn trước. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng.

Tỉnh đã tạo việc làm mới cho 79.000 lao động; giảm hộ nghèo xuống còn 5,73%. Trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia 30,6%; xã phường, thị trấn vững mạnh toàn diện về quốc phòng-an ninh đạt 72,3%. Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh đạt trên 76%, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đạt trên 77%, kết nạp bình quân mỗi năm 863 đảng viên mới.

Những hạn chế yếu kém trong nhiệm kỳ qua được chỉ ra là: Một số chỉ tiêu kinh tế đạt thấp, tiềm năng lợi thế chậm được khai thác, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt mục tiêu. Đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn là điểm nghẽn để thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; qui mô doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Một số dự án quy mô lớn ngành công nghiệp chậm triển khai, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp và du lịch, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc thù của địa phương theo hướng sản xuất sạch gắn với phát triển ngành nghề và hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều bất cập. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; các sản phẩm du lịch đặc thù chưa được đầu tư đúng mức, chất lượng dịch vụ và môi trường còn hạn chế.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục