Ông Văn Như Cương: "Vắng giáo dục lao động sẽ không có sáng tạo"

Đồng tình với định hướng lớn trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phó giáo sư Văn Như Cương cho rằng điều quan trọng hơn nữa là việc cụ thể hóa các định hướng đó khi triển khai.
Ông Văn Như Cương: "Vắng giáo dục lao động sẽ không có sáng tạo" ảnh 1Phó giáo sư Văn Như Cương. (Ảnh: luongthevinh.com)

Đồng tình với những chủ trương ngành giáo dục đưa ra trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhưng phó giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho rằng điều quan trọng hơn nữa là việc cụ thể hóa các định hướng đó khi triển khai đào tạo. Phó giáo sư Văn Như Cương cũng kiến nghị cần bổ sung giáo dục tình yêu lao động cho học sinh trong chương trình mới.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn ông để làm sáng tỏ hơn các luận điểm trên.

Bỏ giáo dục quân sự?

- Thưa phó giáo sư Văn Như Cương, ông nhận định thế nào về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố?

Phó giáo sư Văn Như Cương: Trước tiên phải nói rằng tôi đồng ý với các định hướng lớn của Dự thảo, đó là việc chia giáo dục làm hai giai đoạn, việc phải hướng đến hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, giáo dục dân chủ.

Chương trình giáo dục mới chia làm hai giai đoạn, giáo dục cơ bản kết thúc ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông là giáo dục hướng nghiệp. Điều này là hợp lý, góp phần phân luồng học sinh, hạn chế tình trạng đổ xô vào đại học như hiện nay. Chương trình giáo dục cũng sẽ được tinh giản, gạt bỏ bớt các nội dung không cần thiết, xa rời thực tế.

Theo Dự thảo, chương trình giáo dục mới cũng không đặt ra nội dung giáo dục quân sự đầu năm học ở bậc trung học phổ thông. Tôi nghĩ đây là quyết định rất đúng đắn bởi trên thực tế ở các nhà trường hiện nay, tuần học quân đội đó không mang lại hiệu quả thiết thực như mong đợi.

Mục tiêu giáo dục cũng đặt ra đúng và cụ thể. Lần đầu tiên Bộ chỉ ra sản phẩm của mình sẽ đạt được các tiêu chí gì, có đặc điểm gì, với ba phẩm chất, 8 năng lực cụ thể.

Học sinh phản biện kém

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đang mong nhận được ý kiến đóng góp của công luận để hoàn thiện hơn Dự thảo. Là một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, ông có băn khoăn hay bổ sung ở nội dung nào? Tại sao?

Phó giáo sư Văn Như Cương: Tôi có băn khoăn ở vài điểm, đó là các năng lực có thể sắp xếp lại, vấn đề giáo dục tình yêu lao động chưa đề cập đến và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Bộ đưa ra 8 năng lực cần hình thành là năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực tính toán, năng lực công nghệ thông tin và truyền thông. 

Tôi nghĩ có thể ghép một số năng lực với nhau vì chúng gần nhau. Chẳng hạn như năng lực tự học và năng lực giải quyết vấn đề và sang tạo có thể ghép thành năng lực tìm hiểu và sáng tạo, năng lực giao tiếp và hợp tác có thể ghép thành năng lực giao tiếp hòa đồng và hợp tác.. 

Bên cạnh đó còn có thể bổ sung năng lực phản biện. Học sinh hiện nay năng lực phản biện rất kém. Khi có năng lực phản biện, học sinh sẽ có tư duy độc lập, tự chủ và tự tin.

Ông Văn Như Cương: "Vắng giáo dục lao động sẽ không có sáng tạo" ảnh 2Chương trình giáo dục mới sẽ chú trọng hình thành năng lực, phẩm chất học sinh hơn là truyền thụ kiến thức như hiện nay. (Ảnh: TTXVN)

"Còn rất nhiều băn khoăn..."

Ba phẩm chất gồm sống trung thực, tự chủ và sống yêu thương. Đây là những phẩm chất rất cần thiết, nhưng theo tôi cần bổ sung thêm phẩm chất yêu lao động.

Tôi cho rằng vắng giáo dục lao động sẽ không có sáng tạo, không có ý thức rèn luyện và thái độ làm việc nghiêm túc. Đây cũng là điều còn rất thiếu trong giáo dục học sinh ở Việt Nam khi trẻ con được cha mẹ nuông chiều, làm thay hết mọi việc và vì thế không biết làm những việc mà ở tuổi các em có thể tự làm. 

Về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, là nội dung rất hay và hữu ích nếu chúng ta thực hiện được. Tuy nhiên, với những người làm giáo dục trực tiếp ở các nhà trường như chung tôi thì nội dung này còn rất nhiều băn khoăn. Bộ cần phải chi tiết hóa nội dung này cụ thể là như thế nào. Trên thực tế, với sỹ số lớp rất đông như ở Việt Nam, liệu giáo viên có thể thực hiện được hay không là một bài toán khó.

- Với dự thảo chương trình này, theo ông, liệu giáo dục có thực hiện được mục tiêu đề ra là hướng đến hình thành phẩm chất, năng lực người học?

Phó Giáo sư Văn Như Cương: Đây đúng là vấn đề mà nhiều người băn khoăn. Mục tiêu giáo dục đã được đặt ra khá rõ ràng về yêu cầu cần đạt được sau giáo dục.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đó thì còn phụ thuộc rất nhiều vào chương trình giáo dục cụ thể ở từng nội dung môn học, ở thực tế giảng dạy ở các nhà trường.

Tất nhiên, do đây là dự thảo chương trình giáo dục tổng thể nên ban soạn thảo cũng không thể nêu chi tiết, cụ thể mà chỉ có thể ghi những nội dung chính, có tính khái quát, định hướng.

Tôi hy vọng khi biên soạn nội dung chương trình cụ thể ở từng cấp học, từng môn học, ban biên soạn sẽ bám sát những định hướng này.

Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, các trường sư phạm sẽ vào cuộc như thế nào cũng là vấn đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng để đạt được mục tiêu giáo dục của chương trình mới.

- Xin cảm ơn phó giáo sư!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục