Chưa cắt giảm sản lượng?

OPEC có thể vẫn chưa cắt giảm sản lượng dầu mỏ

Các bộ trưởng OPEC sẽ xem xét về sản lượng của nhóm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sa sút, nhu cầu yếu, nguồn cung vượt cầu.
Trong cuộc họp dự kiến diễn ra tại Vienna (Áo) vào ngày 14/6, các bộ trưởng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ xem xét về mức sản lượng của nhóm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sa sút, nhu cầu yếu, nguồn cung vượt cầu và những căng thẳng xoay quanh chương trình hạt nhân của Iran.

Giới phân tích nhận định tại cuộc họp lần này, OPEC có thể sẽ vẫn giữ sản lượng chính thức như đã duy trì trong hơn 3 năm qua.

Tại cuộc họp lần trước vào tháng 12/2011, các nước thành viên OPEC đã nhất trí duy trì hạn ngạch sản lượng thực tế ở mức 30 triệu thùng/ngày, trong lúc triển vọng nhu cầu không chắc chắn, còn Arập Xêút, Iraq, Kuwait và Libya tăng thêm sản lượng không chính thức.

Các nhà phân tích nhận định tại cuộc họp lần này, OPEC sẽ vẫn giữ sản lượng chính thức ở mức 24,84 triệu thùng/ngày như đã duy trì trong hơn 3 năm qua, mặc dù giá dầu giảm mạnh đã làm giảm nguồn thu.

Trong những tuần gần đây, giá dầu giảm mạnh, do dư cung và những lo ngại về nhu cầu liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực các nước sử dụng đồng euro (Eurozone) và triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi.

Giá dầu Brent có thời điểm đạt đến mức 128 USD/thùng trong tháng 3, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, thời điểm xảy ra tình trạng hoảng loạn về nguồn cung, song sau đó đã giảm 25%, xuống các mức thấp trong 17 tháng.

Thị trường dầu mỏ vẫn chưa yên về khủng hoảng nợ ở Eurozone và đang dồn sự chú ý vào cuộc bầu cử tại Hy Lạp vào ngày 17/6 tới.

Một yếu tố cũng có tác động đến thị trường dầu mỏ là việc các bộ trưởng tài chính Eurozone vừa nhất trí cho Tây Ban Nha vay 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để cứu các ngân hàng có vấn đề.

Trong khi đó, chương trình hạt nhân của Iran - nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trong OPEC, sau Arập Xêút - đang gây ra nhiều tranh cãi. Lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) chống lại Iran sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, trong khi đã có rất nhiều biện pháp trừng phạt đã được áp đặt đối với nước này theo các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Theo nhà phân tích Paul Horsnell ở Barclays Capital, chính sách sản lượng của OPEC sẽ chưa có những thay đổi cho đến khi các vấn đề của Hy Lạp và Iran trở nên rõ ràng hơn.

Ông cho rằng trừ phi OPEC buộc phải hành động vì giá dầu xuống quá thấp, mức sản lượng hiện nay có thể vẫn được duy trì.

Theo nhà phân tích Gary Hornby ở Inenco, OPEC chưa muốn hành động bởi giá dầu thấp là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng.

Giá dầu thấp sẽ là yếu tố hỗ trợ cho kinh tế toàn cầu vào lúc này, khi khủng hoảng nợ ở Eurozone vẫn tiếp diễn và kinh tế Mỹ cũng như Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Thêm vào đó, lệnh cấm vận của EU nhằm vào Iran và việc châu Á giảm nhập khẩu dầu của Iran cũng sẽ khiến sản lượng cuối cùng sẽ giảm trong ngắn hạn.

Trong khi đó, theo nhà phân tích Carsten Fritsch ở Commerzbank, thị trường dầu mỏ đã chịu sức ép trong những tháng gần đây do dư cung.

Tại cuộc họp sắp tới, các nước có thể kêu gọi Arập Xêút cắt giảm sản lượng dư thừa. Sản lượng của nước này trong quý 1/2012 tăng 250.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, lên 9,9 triệu thùng/ngày trong tháng Tư./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục