OPEC khẳng định không bù đắp được nguồn cung dầu mỏ từ Nga

Trong bối cảnh nhiều nước kêu gọi OPEC tăng nguồn cung dầu mỏ, Tổng thư ký OPEC nêu rõ tổ chức này sẽ không bù đắp được lượng dầu thiếu hụt do các biện pháp trừng phạt Nga gây ra.
OPEC khẳng định không bù đắp được nguồn cung dầu mỏ từ Nga ảnh 1Biểu tượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tại trụ sở ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/4, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nêu rõ các biện pháp trừng phạt Nga hiện nay và trong tương lai sẽ gây gián đoạn nguồn cung dầu mỏ nghiêm trọng và OPEC sẽ không bù đắp được lượng dầu thiếu hụt này.

Tuyên bố trên được đưa ra tại cuộc họp giữa các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và đại diện OPEC tại Vienna (Áo), trong bối cảnh nhiều nước kêu gọi OPEC tăng nguồn cung dầu mỏ và EU cân nhắc khả năng áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Nga.

Theo hãng tin Reuters, phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo nêu rõ: "Chúng ta có thể mất hơn 7 triệu thùng/ngày dầu mỏ và các nhiên liệu lỏng khác từ Nga do các biện pháp trừng phạt hiện nay và trong tương lai."

Theo ông Barkindo, căn cứ dự báo nhu cầu dầu mỏ hiện tại, gần như không thể thay thế lượng lớn dầu mỏ thiếu hụt này. Ông Barkindo khẳng định thị trường biến động mạnh hiện nay là do những yếu tố nằm ngoài kiểm soát của OPEC, theo đó đánh tín hiệu rằng nhóm này sẽ không bơm thêm dầu cho thị trường.

Một quan chức châu Âu cho biết tại cuộc họp, EU một lần nữa kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ cân nhắc tăng nguồn cung dầu nhằm giúp hạ nhiệt giá dầu đang tăng vọt.

Các đại diện EU cho rằng OPEC có khả năng sản xuất thêm dầu và có trách nhiệm đảm bảo ổn định thị trường dầu mỏ.

[EU và OPEC nhận định khác nhau về việc tăng sản lượng dầu]

Đây là cuộc họp mới nhất trong khuôn khổ đối thoại EU-OPEC được khởi động từ năm 2005. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt trừng phạt Nga liên quan xung đột tại Ukraine.

Đến nay, EU vẫn chưa đưa lĩnh vực dầu mỏ của Nga vào diện trừng phạt. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao EU cho rằng khả năng lĩnh vực này sẽ là mục tiêu trừng phạt tiếp theo, sau khi khối này tuần trước nhất trí cấm nhập khẩu than đá của Nga.

Tại cuộc họp ngoại trưởng các nước EU ở Luxembourg ngày 11/4, ngoại trưởng các nước Ireland, Litva và Hà Lan cho biết Ủy ban châu Âu đang soạn thảo các đề xuất cấm vận dầu mỏ của Nga.

Trong khi đó, Australia, Canada và Mỹ - những nước phụ thuộc vào nguồn cung của Nga ít hơn châu Âu - đã cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Hiện các nước thành viên EU đang chia rẽ về việc này vì các nước này phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung dầu mỏ của Nga và việc cấm nhập khẩu có thể đẩy giá năng lượng trong khu vực tăng cao hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục