Ôtô dung tích lớn sẽ sớm được xóa thuế nhập khẩu sau TPP

Thuế nhập khẩu vào Việt Nam với mặt hàng ôtô con dung tích xilanh từ 3.000cc trở lên sẽ được xóa bỏ từ năm thứ 10 sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực.
Ôtô dung tích lớn sẽ sớm được xóa thuế nhập khẩu sau TPP ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

​Thuế nhập khẩu khẩu ôtô con dung tích xilanh từ 3.000cc trở lên sẽ được xóa bỏ từ năm thứ 10 sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Với các dòng ôtô khác, thuế nhập khẩu có thể xóa bỏ từ năm thứ 13.

Thông tin thêm về vấn đề này trong buổi họp báo tổ chức chiều 9/11 tại Hà Nội, ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, lộ trình trên xuất phát từ yêu cầu bảo hộ với mặt hàng trong nước.

Theo ông Tùng, ôtô sản xuất trong nước chủ yếu là các dòng xe có dung tích xilanh dưới 3.000cc nên thời gian xóa bỏ thuế nhập khẩu sẽ có lộ trình dài hơn, sau 13 năm từ khi cam kết TPP chính thức có hiệu lực. Với những dòng xe có dung tích lớn hơn, lộ trình xóa thuế nhập khẩu là sau 10 năm kể từ khi TPP chính thức có hiệu lực.

Với ôtô cũ, ông Tùng cho biết, trong TPP lần này, các nước đã đặt ra hạn ngạch với ôtô cũ là 66 chiếc trong năm đầu tiên TPP có hiệu lực và tăng dần tới 150 chiếc vào năm thứ 16.

Mức hạn ngạch trên, theo ông Tùng, được xây dựng nhỏ để kiểm soát số lượng ôtô cũ vào Việt Nam. “Con số hạn ngạch trên sẽ không tác động lớn tới thị trường trong nước,” ông Tùng nói.

Nói thêm về hy vọng giảm giá nhiều mặt hàng trong đó có ôtô sau khi hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng, cam kết về thuế nhập khẩu chỉ là một yếu tố trong cơ cấu giá.

Giá cả mặt hàng có giảm hay không theo ông còn phụ thuộc vào giá đầu vào, chi phí vận chuyển, thời điểm bán hàng,… nên việc giảm thuế nhập khẩu có thể giúp người dân mua hàng rẻ hơn là “không hẳn.”

Nói thêm về những tác động tới ngân sách, ông Thăng cho biết, quy mô thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến vẫn ổn định trong ngắn hạn nhưng áp lực giảm thu có thể xuất hiện từ năm 2018.

Tuy nhiên, đây là vấn đề ông Thăng cho rằng không quá lo ngại bởi trong năm nay, cơ cấu thu ngân sách từ nội địa đã chiếm khoảng 74% tổng thu ngân sách. Tỷ lệ này theo ông đang đạt mục tiêu trong giai đoạn năm 2011-2015 và hướng tới tỷ trọng thu nội địa tới năm 2020 là 80% tổng thu ngân sách.

Theo ông, thời gian chính thức TPP có hiệu lực chưa được xác định bởi các nước còn đang hoàn thiện thủ tục. Tuy nhiên, theo dự kiến, TPP có thể sẽ có hiệu lực từ năm 2018.

Trước đó, sau hơn 5 năm đàm phán, tối 5/10, tại hội nghị diễn ra ở thành phố Atlanta của Mỹ, Bộ trưởng 12 nước đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây được coi là hiệp định thương mại lịch sử, lớn nhất trong vòng 20 năm qua. TPP có sự tham gia của 12 nước gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.

TPP là hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân.

Theo số liệu của Bộ Tài chính năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước TPP vào khoảng 89 tỷ USD, trong đó xuất khẩu vào khoảng 57 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục