Pakistan, Nepal kêu gọi Ấn Độ đối thoại hạ nhiệt căng thẳng

Nhằm giảm bớt căng thẳng trong quan hệ song phương với Ấn Độ, Pakistan đã kêu gọi nối lại khuôn khổ hỗn hợp hợp tác khu vực vì sự ổn định.
Pakistan, Nepal kêu gọi Ấn Độ đối thoại hạ nhiệt căng thẳng ảnh 1Binh sỹ Ấn Độ làm nhiệm vụ tại khu vực Tanghdar, Kashmir ngày 25/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng tin Zeenews ngày 26/11 cho biết, nhằm giảm bớt căng thẳng trong quan hệ song phương với Ấn Độ, Pakistan đã kêu gọi nối lại khuôn khổ hỗn hợp hợp tác khu vực vì sự ổn định, trong khi Nepal hy vọng những “căng thẳng” liên quan đến việc ban hành Hiến pháp ở nước này sẽ tiêu tan và nhường đường cho sự phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Phát biểu tại một hội thảo về quan hệ Ấn Độ-Pakistan được tổ chức tại New Delhi ngày 25/11, Cao ủy Pakistan tại Ấn Độ Abdul Basit đã nêu bật sự cần thiết nối lại các cuộc đàm phán hòa bình để giảm bớt căng thẳng quan hệ song phương giữa hai nước.

Ông Basit nói: “Để đạt được hòa bình chúng ta cần phải đối thoại. Một khuôn khổ đối thoại hỗn hợp là cần thiết để thảo luận tất cả các vấn đề quan hệ song phương từ khủng bố, đến vấn đề Kashmir, Sir Creek.”

Trong khi đó Đại sứ Nepal tại Ấn Độ Deep Kumar Upadhyay nhấn mạnh Nepal “không bao giờ để bị thuộc địa hóa” trong lịch sử và không ám chỉ tới bất kỳ vai trò nào của Ấn Độ trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở đất nước Himalaya.

Ông Upadhyay nói: “Có những vấn đề ngay cả trong một gia đình. Trong cùng một cách, có sự căng thẳng giữa chính phủ các nước như Ấn Độ và Nepal vào lúc này.”

Ông Upadhyay cho biết tại Nepal nhiên liệu thiếu trầm trọng vì hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung từ Ấn Độ. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra.

Quan hệ Ấn Độ - Nepal căng thẳng trong những tuần gần đây do sự trỗi dậy của các cuộc biểu tình người Madhesis gốc Ấn Độ phản đối hiến pháp mới. Kathmandu đổ lỗi cho Ấn Độ gây lên tình trạng thiếu nhiên liệu và gây bất ổn tại nước này khi không cung cấp nhiên liệu sang Nepal.

Trong khi đó, New Delhi kêu gọi Kathmandu sớm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này và đảm bảo an toàn cho việc cung cấp nhiên liệu qua khu vực biên giới hai nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục