Pakistan trở lại thị trường trái phiếu quốc tế sau 7 năm

Pakistan đã trở lại thị trường trái phiếu quốc tế sau bảy năm ngừng giao dịch, huy động được 2 tỷ USD nhằm tăng nguồn dự trữ ngoại hối và giá trị đồng rupee.
Pakistan trở lại thị trường trái phiếu quốc tế sau 7 năm ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: plmn.us)

Bộ Tài chính Pakistan cho biết nước này đã trở lại thị trường trái phiếu quốc tế sau bảy năm ngừng giao dịch, huy động được 2 tỷ USD nhằm tăng nguồn dự trữ ngoại hối và giá trị đồng rupee.

Một phát ngôn viên của Bộ trên hôm cuối tuần nói rằng: "Giao dịch mua bán trái phiếu của Pakistan lần này được coi là lớn nhất từ trước tới nay về giá trị trên thị trường trái phiếu quốc tế."

Trước đó, Pakistan đã huy động được 750 triệu USD và 500 triệu USD trong các lần phát hành trái phiếu cuối cùng trong năm 2007, với lợi suất 7,75% và kỳ hạn 10 năm. Lần trở lại thị trường trái phiếu này, Pakistan hy vọng sẽ huy động được 1 tỷ USD cho mỗi loại trái phiếu kỳ hạn 5 năm hay kỳ hạn 10 năm.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết các nhà đầu tư đã có phản hồi “mạnh mẽ” với hơn 400 khớp lệnh mua trái phiếu được thực hiện, vượt xa con số 500 triệu USD dự kiến lúc đầu.

Nhà phân tích tài chính Mohammad Sohail tại Topline Securities cho biết trái phiếu kỳ hạn 5 năm đã được chào bán với lợi suất 7,25%, trong khi trái phiếu kỳ hạn 10 năm được ấn định ở mức 8,25%, và các nhà đầu tư chủ chốt đều đến từ Mỹ.

Ông Sohail nhận xét: “Lòng tin của các nhà đầu tư (đối với Pakistan) có thể thấy rõ trong khối lượng lệnh mua bán trái phiếu,” nhờ những yếu tố cải cách mới của chính phủ và triển vọng kinh tế được cải thiện tại nước này.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế Pakistan đã có các tín hiệu cải thiện và kỳ vọng nước này sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng của khoảng 3,7% trong tài khóa 2014-2015.

Theo một báo cáo của IMF, đà tăng trưởng kinh tế Pakistan được hỗ trợ nhờ ngành công nghiệp chế tạo tăng khả quan hơn. Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp Pakistan vẫn còn nhiều yếu kém và Pakistan vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng dự trữ ngoại hối eo hẹp và những thách thức về an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục