Pakistan truy tố kẻ lan truyền thông tin sai lệch, kích động bạo loạn ở Anh

Farhan Asif bị cáo buộc đăng bài viết với nội dung sai sự thật rằng một người theo đạo Hồi đang xin tị nạn tại Anh là nghi phạm trong vụ tấn công bằng dao xảy ra cuối tháng Bảy ở Southport.

Cảnh sát và người biểu tình xung đột tại London, Anh ngày 31/7/2024. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Cảnh sát và người biểu tình xung đột tại London, Anh ngày 31/7/2024. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngày 21/8, một người đàn ông Pakistan đã bị đưa ra trình diện trước một tòa án của nước này với cáo buộc phát tán thông tin sai lệch có nội dung mang tính giật gân nhằm thu hút người dùng bấm vào trang web để tăng lượt tương tác (clickbait), góp phần kích động làn sóng bạo loạn chống nhập cư ở Anh.

Farhan Asif bị cáo buộc đăng bài viết trên trang web Channel3Now với nội dung sai sự thật rằng một người theo đạo Hồi đang xin tị nạn tại Anh là nghi phạm trong vụ tấn công bằng dao chết người xảy ra cuối tháng Bảy ở Southport.

Giới chức Anh tin rằng những thông tin sai lệch được lan truyền trên không gian trực tuyến đã châm ngòi cho nhiều ngày bạo loạn nhắm vào các nhà thờ Hồi giáo và khách sạn nơi những người xin tị nạn trú ngụ, cũng như nhằm vào cảnh sát và các tài sản khác ở nước này.

Theo một quan chức cấp cao tại Cơ quan Điều tra liên bang Pakistan, người đàn ông 31 tuổi là một kỹ sư phần mềm không có bằng cấp báo chí và điều hành trang web Channel3Now vốn là nguồn thu nhập chính.

Các cuộc điều tra ban đầu cho thấy mục đích duy nhất của người này là kiếm tiền thông qua nội dung clickbait. Asif đã bị đưa ra trình diện tòa quận Lahore với cáo buộc khủng bố mạng và bị tạm giam 1 ngày.

Bài viết có thông tin sai lệch đã được đăng trên Channel3Now chỉ vài giờ sau vụ tấn công. Bài viết này sau đó đã được trích dẫn rộng rãi trong các bài đăng trên mạng xã hội lan truyền.

Hơn 10 thị trấn và thành phố của Anh đã rơi vào tình trạng bất ổn và bạo loạn sau vụ tấn công bằng dao ngày 29/7 khiến ba bé gái thiệt mạng trong một lớp học khiêu vũ ở Southport.

Thủ phạm vụ đâm dao, Axel Rudakubana, sinh ra ở Anh, có cha mẹ đến từ Rwanda, một quốc gia theo đạo Thiên chúa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục