Palestine chỉ trích Mỹ làm "trật bánh" tiến trình hòa bình Trung Đông

Palestine coi tuyên bố chính sách trên của Tổng thống Mỹ Trump là một sự công kích vào tinh thần và văn phong của luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc.
Palestine chỉ trích Mỹ làm "trật bánh" tiến trình hòa bình Trung Đông ảnh 1Người dân Palestine biểu tình tại Dải Gaza ngày 7/12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Chính quyền Palestine đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với quyết định trên của Washington, cho rằng đây là hành động thù địch chống lại người dân Palestine.

Palestine coi tuyên bố chính sách trên của Tổng thống Trump là một sự công kích vào tinh thần và văn phong của luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc. Việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng là một sự tấn công nhằm vào tinh thần và quy chế của thành phố này vốn là một trung tâm tâm linh của hàng tỷ người trên thế giới.

Theo Chính quyền Palestine, việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel có thể đe dọa đến hệ thống quốc tế cũng như khiến thế giới bất ổn. Phía Palestine cũng cho rằng bước đi của Mỹ đã làm "trật bánh" tiến trình hòa bình Trung Đông cũng như những nỗ lực để khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với mục đích đạt được một giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột.

Tuyên bố của Palestine cũng tái khẳng định sẽ không có một nền hòa bình ở Trung Đông nếu không có một Nhà nước Palestine và Nhà nước Palestine sẽ không thể thành lập nếu thiếu thủ đô là Đông Jerusalem.

Bên cạnh đó, Palestine cũng đánh giá cao sự ủng hộ của các quốc gia trên toàn thế giới, vốn cương quyết phản đối quyết định trên của Mỹ. Palestine kêu gọi các quốc gia thực hiện các bước đi thiết thực để bảo vệ giải pháp hai nhà nước và các quyền lợi của người dân Palestine.

[Iran: Mỹ sẽ sớm hối tiếc vì quyết định công nhận Jerusalem]

Trong khi đó, hàng nghìn người dân Palestine đã đổ xuống đường phố sau khi nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas đưa ra lời kêu gọi biểu tình rầm rộ vào ngày thứ Sáu với tên gọi "Ngày thịnh nộ" 8/12. Hàng loạt các cuộc đụng độ giữa người biểu tình Palestine và lực lượng an ninh Israel đã nổ ra tại thành cổ Jerusalem cũng như các địa điểm khác, như Hebron (Hê-brôn), Bethlehem (Bét-lê-hem), và khu vực Nablus (Náp-lớt) ở Bờ Tây.

Tại một số nơi, người biểu tình Palestine ném đá vào binh sĩ Israel, buộc lực lượng này phải sử dụng hơi cay và đạn cao su chống trả. Tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết đã có 13 người bị thương trong các cuộc đụng độ.

Việc Tổng thống Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ hiện ở Tel Aviv tới thành phố này đã và đang vấp phải sự phản đối của nhiều nước trên thế giới. Tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, hàng nghìn người ủng hộ Palestine đã tuần hành thể hiện sự phản đối quyết định trên của Mỹ. Cuộc biểu tình diễn ra sau các buổi lễ cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo Ottoman Fatih ở trung tâm Istanbul.

Ngoài ra, một số cuộc biểu tình khác cũng đã được lên kế hoạch tại một số nơi ở Istanbul và trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc biểu tình cũng thu hút sự tham gia của hàng trăm công dân Iran.

Nhiều cuộc biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng đã diễn ra tại Bangladesh và Ấn Độ. Tại thủ đô Dhaka, khoảng 3.000 người phản đối đã tập trung trước nhà thờ Hồi giáo chính để biểu tình. Trong khi đó, tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, một số nhóm nhỏ người phản đối cũng tụ tập biểu tình tại Srinagar - thủ phủ của khu vực nơi người Hồi giáo chiếm đa số này.

Hôm 6/12, Tổng thống Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cho rằng đây là bước đi cần thiết nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trong khu vực vốn đã bị trì hoãn quá lâu. Đây được xem là một "bước đi nguy hiểm", không chỉ đe dọa tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông, mà còn có nguy cơ làm bùng phát làn sóng bạo lực nghiêm trọng giữa người Palestine và Israel, giữa cộng đồng Do Thái và Arab. |

Lâu nay, quy chế chính thức của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel coi Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình, trong khi người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai. Đông Jerusalem đã bị Israel chiếm đóng trái phép trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ nước mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục