Palestine: Fatah và Hamas tham gia đàm phán hòa giải ở Qatar

Phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza sẽ tham gia các cuộc đàm phán hòa giải tại Doha (Qatar) với phong trào Fatah của Chính quyền Palestine (PA) ở khu Bờ Tây.
Palestine: Fatah và Hamas tham gia đàm phán hòa giải ở Qatar ảnh 1Các thành viên Phong trào Hồi giáo Hamas tập trung tại Rafah, phía nam Dải Gaza, giáp giới Ai Cập ngày 21/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn các nguồn tin tại Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza sẽ tham gia các cuộc đàm phán hòa giải tại Doha (Qatar) với phong trào Fatah của Chính quyền Palestine (PA) ở khu Bờ Tây.

Người phát ngôn của Hamas, Husam Badran cho biết sáng kiến hòa giải do Qatar làm trung gian và phong trào Hamas sẽ thực sự nghiêm túc để đạt được sự hòa giải với Fatah trong lần đàm phán này.

Ông Badran nói thêm rằng việc chấm dứt chia rẽ sẽ cho phép vấn đề Palestine thu hút lại sự chú ý của cộng đồng quốc tế và giúp Palestine mạnh mẽ hơn trong việc chống lại các dự án “Do Thái hóa” của Israel.

Theo một nguồn tin không chính thức, phái đoàn Hamas ngày 13/6 đã rời Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah để tới Qatar.

Liên quan đến vấn đề Trung Đông, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 13/6 tuyên bố không chấp nhận Sáng kiến Hòa bình Arab làm cơ sở cho việc tiến hành các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.

Phát biểu trong cuộc họp với các bộ trưởng thuộc đảng cầm quyền Likud, ông Netanyahu nêu rõ nếu các nước Arab cân nhắc xem xét lại đề xuất của Liên đoàn Arab (AL) theo những thay đổi mà Israel yêu cầu thì sau đó Israel có thể đối thoại.

Theo Thủ tướng Israel, phần tích cực trong Sáng kiến Hòa bình Arab năm 2002 là việc các nước Arab sẵn sàng thương lượng hòa bình và bình thường hóa quan hệ với Israel.

Tuy nhiên, sáng kiến này cũng có nhiều yếu tố tiêu cực như yêu cầu Israel rút lui về đường biên giới năm 1967 tại Bờ Tây, rút khỏi Cao nguyên Golan (Gô-lan) cũng như quyền trở về của người tị nạn Palestine.

Trong khi đó, Quốc vương Jordan Abdullah II nhận định giải quyết vấn đề Palestine là chìa khóa cho việc giải quyết các cuộc xung đột ở Trung Đông.

Hãng thông tấn quốc gia Petra cho biết tại cuộc họp ngày 13/6 với phái đoàn của ủy ban chính trị và an ninh Liên minh châu Âu (EU) do Chủ tịch ủy ban Walter Stevens dẫn đầu, Quốc vương Abdullah II tuyên bố việc thiếu một giải pháp đúng đắn và toàn diện cho vấn đề Palestine theo hướng giải pháp hai nhà nước sẽ càng làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan và bạo lực, cũng như làm trầm trọng thêm tình hình an ninh khu vực và trên thế giới.

Nhất trí với quan điểm trên, Ngoại trưởng Nasser Judeh và các quan chức cấp cao của Jordan nêu rõ vấn đề Palestine là “cốt lõi” của các cuộc xung đột ở Trung Đông.

Chính phủ Jordan kêu gọi khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông một cách nghiêm túc, hiệu quả và có thời gian biểu rõ ràng, nhằm tiến tới việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới năm 1967, với thủ đô là Đông Jerusalem.

Trong một động thái khác, Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi dự kiến sẽ có chuyến công du đầu tiên đến Bờ Tây ngày 14/6 và gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại thành phố Ramallah.

Các nguồn tin tại Palestine cho biết ông al-Arabi sẽ thông báo với Tổng thống Abbas về sáng kiến hòa bình Trung Đông do Pháp đề xuất.

Ông Al-Arabi là quan chức cấp cao nhất của các nước Arab tham dự hội nghị cấp ngoại trưởng do Pháp tổ chức tại thủ đô Paris hôm 3/6 nhằm thảo luận tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Trong khi đó, những cuộc đụng độ giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel vẫn tiếp diễn.

Theo hãng thông tấn Ma'an của Palestine, cuối tuần qua, lực lượng cảnh sát Israel đã bắt giữ ít nhất 27 người Palestine không có giấy tờ hợp pháp tại Tel Aviv trong khuôn khổ chiến dịch trấn áp đối với người Palestine, sau vụ nổ súng tại thành phố này hôm 8/6 làm 4 người Israel thiệt mạng và hơn 10 người bị thương.

Rạng sáng 13/6, các lực lượng quân đội Israel cũng đã bắt giữ ít nhất 15 người Palestine trong các cuộc trấn áp ở khu Bờ Tây vì bị tình nghi tham gia các “hoạt động bất hợp pháp.”

Sau vụ nổ súng tại Tel Aviv ngày 8/6, giới chức trách Israel đã thu hồi 83.000 giấy phép dành cho người Palestine ở khu Bờ Tây muốn đến thăm Jerusalem và Israel trong tháng lễ Ramadan và tạm ngưng tất cả các thỏa thuận cho phép người Palestine ở Dải Gaza muốn đến Đông Jerusalem để cầu nguyện tại Đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa (Israel gọi là Núi Đền).

Ngoài ra, các lực lượng Israel cũng thực hiện một chiến dịch trấn áp rầm rộ đối với các lao động người Palestine không có giấy phép hợp pháp tại Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục