Palestine: Giai đoạn chuyển giao không thể quá ba năm

Theo Tổng thống Palestine, giai đoạn chuyển giao sau ký thỏa thuận hòa bình với Israel, rút toàn bộ binh sỹ Israel khỏi Bờ Tây "không thể vượt quá 3 năm."
Palestine: Giai đoạn chuyển giao không thể quá ba năm ảnh 1Người Palestine phản đối nhóm người Israel dựng các khu nhà tại khu vực Israel chiếm đóng ở khu Bờ Tây, ngày 7/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 28/1, Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas nói rằng giai đoạn chuyển giao sau khi ký thỏa thuận hòa bình với Israel và rút toàn bộ binh sỹ Israel khỏi Bờ Tây "không thể vượt quá 3 năm."

Nhà lãnh đạo Palestine chỉ ra rằng những đề xuất về giai đoạn chuyển giao kéo dài 10-15 năm thể hiện quan điểm không muốn rút quân. Israel có thể rút quân dần trong giai đoạn không vượt quá ba năm.

Ông nhấn mạnh rằng Palestine sẵn sàng cho phép bên thứ ba thay thế vị trí Israel trong và sau khi rút quân để giảm bớt những lo ngại của cả hai bên, cũng như đảm bảo rằng mọi việc sẽ tiếp diễn bình thường.

Những phát biểu này của nhà lãnh đạo Palestine được xem là trái với quan điểm chính thức của Israel, đòi giai đoạn rút quân phải kéo dài từ 10-15 năm. Tổng thống Abbas từng đề xuất NATO làm bên thứ ba, nhưng Israel đã thể hiện sự phản đối và yêu cầu được duy trì sự hiện diện lâu dài tại thung lũng Jordan sau bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Palestine.

Cùng ngày, thủ lĩnh Công đảng Israel, Shelly Yacimovich, cho biết người định cư Do Thái không muốn rời Bờ Tây có thể ở lại làm công dân một nhà nước Palestine. Đài phát thanh Israel dẫn lời bà Yacimovich nói rằng Tổng thống Palestine Abbas đã chấp nhận đề xuất này trong một cuộc gặp giữa hai bên hồi tháng 5/2013.

Trong khi đó, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS) và là cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội, Amos Yadlin, đề xuất việc nước này đơn phương rút quân khỏi 85% Bờ Tây, giữa hàng rào an ninh và thung lũng Jordan, trong trường hợp tiến trình hòa bình với Palestine đổ vỡ.

Theo đề xuất, Israel sẽ giữ lại các khu định cư lớn, khu vực được biết đến như hành lang sân bay Ben-Gurion và duy trì sự kiểm soát quân sự tại thung lũng Jordan. Israel sẽ tiến hành kế hoạch rút quân ngay cả khi vấp phải sự phản đối của Palestine, trong khi tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ và các nước lớn ở châu Âu, như Anh, Pháp và Đức.

Trong một diễn biến liên quan, Đài phát thanh quân đội Israel ngày 28/1 dẫn lời Đại sứ Hà Lan tại Israel Caspar Veldkamp cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể ủng hộ Israel vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nếu nước này ngừng phát triển các khu định cư người Do Thái và thúc đẩy đàm phán với người Palestine.

Đại sứ Veldamp khẳng định, nếu Israel và Palestine đạt được thỏa thuận hòa bình, "EU có thể ủng hộ việc đưa Israel vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các đại sứ quán nước ngoài sẽ chuyển từ Tel Aviv tới Jerusalem."

Ông còn cảnh báo rằng việc đàm phán bị đình trệ sẽ gây ảnh hưởng xấu tới Israel và cho rằng "thế giới sẽ ủng hộ người Palestine chừng nào các cuộc đàm phán còn không đạt được tiến triển"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục