Palestine và lựa chọn không thể "quay ngược thời gian"

Lịch sử không thể đảo ngược nhưng người Palestine có thể xây dựng một nhà nước mà một ngày nào đó sẽ độc lập phát triển, thông qua ngoại giao chiến lược và sự lãnh đạo tài năng
Palestine và lựa chọn không thể "quay ngược thời gian" ảnh 1Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, theo kế hoạch, Israel sẽ tổ chức cuộc bầu cử lần thứ ba trong vòng chưa đầy một năm qua vào ngày 2/3 tới nhằm nỗ lực thành lập một chính phủ mới.

Lần này, các cử tri Palestine sẽ càng có nhiều lý do hơn để trông đợi sự thay đổi từ Chính quyền Tel Aviv trong bối cảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi tuần trước đã tham dự buổi công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó đề xuất đường biên giới mới để chuyển khoảng 350.000 người Palestine từ miền Bắc Israel sang một nhà nước Palestine độc lập.

Kế hoạch mà ông Trump từng tự hào tuyên bố là "Thỏa thuận thế kỷ" đã phải hứng chịu không ít ý kiến trái chiều, coi đó là "vụ ăn trộm của thế kỷ" khi kế hoạch này đề xuất thành lập một nhà nước Palestine bao gồm hầu hết khu vực Bờ Tây (trừ các khu định cư bất hợp pháp của Israel và Thung lũng Jordan), các khu vực sa mạc Negev, Dải Gaza và vùng đất ở phía Bắc Israel thường được gọi là vùng "Tam giác."

Khu vực "Tam giác" này và vùng đất Negev sẽ được hoán đổi cho các khu định cư cho dù không rõ việc hoán đổi này có công bằng hay không.

Kế hoạch của ông Trump đã vạch ra một nhà nước Palestine mang đầy tính "Bantustan" - một từ được sử dụng dưới thời chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi để xác định vùng đất dành cho dân cư da đen.

[Tổng thống Palestine dọa cắt đứt quan hệ với Mỹ và Israel]

Mặc dù ý tưởng này nghe có vẻ kỳ quặc nhưng lại không hề xa lạ đối với Israel khi chính nhà nước Do Thái kể từ khi thành lập đến nay đã theo đuổi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bằng cách tạo mọi ưu đãi cho các công dân của họ trong khi từ chối quyền bình đẳng đối với những người không phải là dân Do Thái.

Hiện có khoảng 2 triệu người Palestine đang sinh sống ở Israel, chiếm khoảng 21% dân số quốc gia này. Như vậy, 350.000 người Palestine được chuyển từ khu vực "Tam giác" đến từ các địa điểm được xác định trong Kế hoạch Hòa bình Trung Đông dài 181 trang của ông Trump.

Kế hoạch nêu rõ: "Cộng đồng khu vực 'Tam giác', phần lớn tự nhận là người Palestine, ban đầu được chỉ định nằm dưới sự kiểm soát của Jordan trong các cuộc đàm phán Hiệp định đình chiến năm 1949 giữa Israel và các nước láng giềng Ai Cập, Jordan, Liban và Syria nhưng cuối cùng đã bị Israel giữ lại vì các lý do quân sự.

Tầm nhìn trong Kế hoạch Hòa bình Trung Đông đã dự tính các khả năng, tùy theo thỏa thuận của các bên rằng biên giới của Israel sẽ được điều chỉnh lại để cộng đồng khu vực 'Tam giác' trở thành một phần của nhà nước Palestine."

Những phe phái cực đoan tại Palestine từng chủ trương theo đuổi "được ăn cả, ngã về không" và chính sách này vô tình đã đẩy Palestine vào thế đánh mất những lợi thế có thể mặc cả của họ.

Sai lầm lớn nhất là người Palestine đã từ chối tham gia tiến trình xây dựng Kế hoạch Hòa bình Trung Đông. Việc ông Trump đề xuất một kế hoạch và ông Netanyahu chấp nhận kế hoạch đó thì điều đó cũng không đồng nghĩa Palestine buộc phải nắm lấy.

Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner, con rể của ông Trump, đã từng tuyên bố bản kế hoạch này có thể thương lượng được nếu người Palestine chấp nhận đến bàn đàm phán.

Trên thực tế, các đề xuất trong bản Kế hoạch Hòa bình Trung Đông phản ánh thực tế cuộc sống hiện nay đối với hầu hết người Palestine.

Ví dụ, mặc dù kế hoạch đề xuất Thung lũng Jordan sẽ bị Israel sáp nhập nhưng thực tế Chính quyền Tel Aviv đã kiểm soát vùng đất này. Thực tế đáng buồn là không có thế lực nào trên thế giới có thể buộc Israel rút khỏi Thung lũng Jordan.

Phản ứng duy nhất đối với các hành động của Israel kể từ năm 1967 là một số cuộc chiến thất bại và sau đó là một chiến dịch tuyên truyền cường điệu bằng những lời hoa mỹ trống rỗng mà người Palestine đã quá mệt mỏi.

Kế hoạch của ông Trump cũng tuyên bố Jerusalem sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Israel, bao gồm Đông Jerusalem, khu vực vốn bị chiếm đóng hồi năm 1967 và bao gồm các địa điểm linh thiêng của cả Hồi giáo lẫn Kitô giáo.

Tuy nhiên, kế hoạch này đảm bảo người Hồi giáo có thể tiếp cận Al-Haram Al Sharif (khu vực núi Đền), song trên thực tế Israel đã chiếm đóng và duy trì mối quan hệ không thể phá vỡ đối với Đông Jerusalem trong 53 năm qua.

Một lần nữa, không có gì có thể thay đổi sự kiểm soát của Israel đối với thành phố linh thiêng này. Nếu cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo không thể chiến đấu để giải phóng thánh địa của họ ở Đông Jerusalem thì điều gì có thể thay đổi sự thực đó?

Do đó, nói một cách khách quan, Kế hoạch Hòa bình Trung Đông chỉ đơn thuần nhắc lại thực tế của những điều đang tồn tại hiện nay và đã không thể thay đổi trong nhiều thập kỷ qua.

Điều duy nhất có thể thay đổi là thái độ của chính người Palestine. Kể từ sau cuộc chiến năm 1967, người Palestine đã chìm đắm trong ba điều "Không."

Đó là không hòa bình với Israel, không công nhận Israel và không đàm phán với Israel. Hơn 50 năm sau, thế giới có thể nhận thấy chiến lược đó đã dẫn Palestine đến tình thế hiện nay.

Dư luận khu vực cho rằng người Palestine cần phải đứng lên và đấu tranh cho quyền lợi của họ bằng cách tham gia chính tiến trình xây dựng Kế hoạch Hòa bình Trung Đông.

Kế hoạch này có lẽ không phải là kế hoạch cuối cùng bởi lẽ thực tế đã chứng minh không có kế hoạch nào trong quá khứ được coi là cuối cùng.

Một điều không thể phủ nhận là ông Trump đã buộc Israel phải công khai chấp nhận giải pháp hai nhà nước, điều mà Tel Aviv đã từ bỏ sau vụ ám sát Thủ tướng Yitzhak Rabin hồi năm 1995 sau khi ông ký thỏa thuận thành lập nhà nước Palestine với Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine Yasser Arafat.

Palestine đang dần bị xóa bỏ, ngoại trừ trong những lời nói phô trương của những kẻ cực đoan và hoài niệm quá khứ của những người ôn hòa im lặng.

Những người ôn hòa cũng cần thể hiện tiếng nói của họ, loại bỏ những tư tưởng cực đoan và chấp nhận một thực tế là khó có thể thay đổi thực tế hiện nay.

Lịch sử không thể đảo ngược nhưng người Palestine có thể xây dựng một nhà nước mà một ngày nào đó sẽ độc lập phát triển, thông qua ngoại giao chiến lược và sự lãnh đạo tài năng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục