PCI 2018: Có hiện tượng 'đụng trần thể chế' trong cải cách?

Báo cáo PCI 2018 cho thấy sự vươn lên về điểm số của những tỉnh ở tốp cuối, song nhóm địa phương thuộc tốp trên đang có dấu hiệu chững lại. Câu hỏi đặt ra liệu đã có hiện tượng 'đụng trần thể chế'?
Ban tổ chức trao kỷ niệm chương cho tỉnh Quảng Ninh quán quân PCI năm 2018. (Ảnh: Minh Quyết /TTXVN)
Ban tổ chức trao kỷ niệm chương cho tỉnh Quảng Ninh quán quân PCI năm 2018. (Ảnh: Minh Quyết /TTXVN)

 “Mặc dù, chỉ số niềm tin nhìn chung đạt ở mức cao nhưng vẫn có đến 8,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa và tăng nhẹ so với mức 8,2% của năm 2017. Song, con số này lại có mức cao thứ ba kể từ năm điều tra PCI đầu tiên đến nay và chỉ thấp hơn những năm 2012-2014 khi nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn.”

[CPTPP tác động ra sao đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo]

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, tại lễ công cố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2018.

Quảng Ninh giành quán quân hai năm liên tiếp

Báo cáo năm nay cho thấy, các vị trí xếp hạng trong tốp 5 không có nhiều thay đổi so với năm 2017. Cụ  thể, Quảng Ninh giữ vị trí dẫn đầu năm thứ hai liên tiếp với 70,36 điểm. Kế đến, Đồng Tháp đứng thứ hai sau khi phá vỡ kỷ lục của chính mình, đạt 70,19 điểm, xác lập năm thứ 11 liên tiếp nằm trong tốp 5. Và, các vị trí liền sau là Long An đạt 68,09 điểm và Bến Tre đạt 67,67 điểm.

Bên cạnh đó, nhóm tốp 10 có sự góp mặt của Đà Nẵng đạt 67,65 điểm, Bình Dương đạt 66,09 điểm, Quảng Nam đạt 65,85 điểm, Vĩnh Long đạt 65,53 điểm, Hà Nội đạt 65,39 điểm và Thành phố Hồ Chí Minh đạt 65,34 điểm.

Báo cáo điều tra cho thấy, điểm số PCI gốc của địa phương trung vị đã đạt mức cao nhất kể từ bắt đầu dự án là 61,76 điểm. Kết quả này đã minh chứng những cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành kinh tế theo thời gian.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa địa phương đứng đầu và cuối đã được thu hẹp. Những địa phương đứng cuối có lợi thế của “người đi sau” có thể tham khảo và áp dụng những cách làm hay, thực tiễn tốt sẵn có từ những tỉnh nhóm trên để cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương.

Tuy nhiên, các địa phương đứng đầu lại có dấu hiệu chững lại. Theo ông Đậu Anh Tuấn, đây là điều đáng lo ngại, khi những tỉnh đứng đầu sau triển khai nhiều sáng kiến ở những khâu dễ cải cách như đăng ký doanh nghiệp, dường như họ đã vấp phải hiện tượng “đụng trần thể chế” nên khó có thể triển khai các sáng kiến để tăng tốc cải cách.

PCI 2018: Có hiện tượng 'đụng trần thể chế' trong cải cách? ảnh 1Lễ công cố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI 2018, ngày 28/3. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chi phí không chính thức cắt giảm mạnh mẽ

Điểm nổi bật được nêu trong báo cáo năm nay là tình trạng tham nhũng vặt (chi phí bôi trơn quy mô nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép) vốn là vấn đề nhức nhối ở những năm trước, thì đến nay đã được cải thiện mạnh mẽ (tiêu chí chi phí không chính thức đã tăng 0,73 điểm).

Cụ thể, chỉ 54,8% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức và đây là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây; 58,2% doanh nghiệp cho biết tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ cơ quan nhà nước địa phương giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, mức này cũng giảm so với năm trước.

Theo đó, quy mô chi trả chi phí không chính thức cũng có xu hướng giảm, khi chỉ còn 7,1% doanh nghiệp cho biết phải chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí này.

Về “tham nhũng lớn” – Báo cáo điều tra PCI 2018 cũng ghi nhận có dấu hiệu giảm bớt, chỉ 30,8% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai (giảm so với mức 32% vào năm ngoái).

Ấn tượng hơn cả là con số 39,3% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra (bởi con số này ở năm 2017 là 51,9% và năm 2014 là 65,6%). Năm 2018, có 48,4% doanh nghiệp cho biết, họ đồng ý với nhận định “chi trả ‘hoa hồng’ là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” (năm 2017 là 54,9%).

Mặc dù, kết quả trên chỉ rõ sự tiến bộ trong cải cách song với những điều doanh nghiệp chia sẻ ở trên cho thấy việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới.

“Những chỉ tiêu phản ánh về hiện tượng chi phí không chính thức vẫn còn tương đối cao và cho thấy cần có thêm nhiều nỗ lực kiên trì, bền bỉ của các cơ quan Nhà nước đồng thời cần có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ quản trị, nắm bắt và tuân thủ pháp luật tốt hơn, đồng thời tăng cường liêm chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của chính mình,” ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Gia nhập thị trường nhiều khó khăn

Một vấn đề nảy sinh, trong khi những cải cách thủ tục đăng ký doanh nghiệp đạt những kết quả ấn tượng thì Báo cáo điều tra PCI 2018 lại chỉ ra gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” đang là vấn đề lớn với nhiều công ty.

Cụ thể, 15,8% doanh nghiệp phản ánh phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác (ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) để có thể chính thức đi vào hoạt động.

“Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn để xin được các loại giấy phép cũng cao ở mức đáng báo động,” ông Tuấn nói.

Điều đáng buồn là con số này đang có xu hướng gia tăng trong 5 năm trở lại đây. Có 34% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% doanh nghiệp phải mất thời gian chờ đợi để nhận được giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy.

Và, trong quá trình hoạt động, 29% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác.

Ngoài ra, vấn đề minh bạch thông tin vẫn chưa có sự cải thiện nhiều. Các doanh nghiệp tiếp tục phàn nàn nhiều khó khăn để có được thông tin quy hoạch.

Cụ thể, với thang điểm từ 1 đến 5 (không thể - rất dễ), khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các tài liệu quy hoạch chỉ đạt 2,38 điểm (xung quanh mức của năm 2015- 2016 và thấp hơn đáng kể mức 2,63 điểm của năm 2006)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục