PCI của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tất cả các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng mạnh và tiếp tục được khẳng định đây là vùng kinh tế năng động.
PCI của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh ảnh 1Nuôi cá tra tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tại cuộc họp báo ngày 4/4, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho biết, năm 2016, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng mạnh và tiếp tục được khẳng định đây là vùng kinh tế năng động.

Tất cả các tỉnh đều có mức tăng cao và có xu hướng xích lại gần nhau hơn.

Cụ thể, năm 2015, toàn vùng còn có tỉnh Cà Mau nằm ở nhóm mức thấp thì trong năm 2016, Cà Mau đã vượt lên ở nhóm mức trung bình. Năm 2015, toàn vùng có một tỉnh đạt mức rất tốt thì năm 2016 toàn vùng đã có tới 2 tỉnh đạt mức rất tốt là Đồng Tháp (đứng thứ 3) và Vĩnh Long (đứng thứ 6 của cả nước).

Năm 2016, toàn vùng cũng có 5 tỉnh nằm trong nhóm tốt so với 3 tỉnh của năm 2015, có 2 tỉnh nằm trong top 10 và 6 tỉnh nằm trong top 15 của cả nước. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng có chỉ số hội tụ đứng đầu trong các chỉ số thành phần nhiều hơn.

Cụ thể, về lĩnh vực cạnh tranh bình đẳng có 5 tỉnh trong top 10; chỉ số chi phí không chính thức có 6 tỉnh trong top 10; chỉ số chi phí thời gian có 7 tỉnh trong top 10; chỉ số tiếp cận đất đai và thiết chế pháp lý có 8 tỉnh trong top 10...

Riêng tỉnh Đồng Tháp có rất nhiều nổi trội với 2 chỉ số đứng đầu cả nước và cũng xếp thứ 3 của cả nước với mức 64,96 điểm, đứng sau Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ninh.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, trong năm 2016, các tỉnh trong vùng cũng còn những hạn chế chưa khắc phục được từ năm 2005 đến nay như đào tạo lao động còn rất thấp. Năm 2016, toàn vùng có tới 8 tỉnh nằm trong nhóm 15 tỉnh thấp nhất cả nước.

Cụ thể, có 8 tỉnh trong số 20 tỉnh thấp nhất về tỷ lệ lao động được đào tạo nghề và có 13 tỉnh nằm trong top 25 tỉnh có tỷ lệ thấp nhất về tỷ lệ lao động tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề... trên tổng số lao động.

Cũng theo ông Lam, chỉ số PCI các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh nhưng cũng chưa đủ để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài (FDI), bởi còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, giao thông. Tuy nhiên, theo đánh giá thì khi chỉ số PCI tăng ổn định thì vốn FDI sau đó cũng sẽ tăng theo.

Riêng đối với số doanh nghiệp thành lập mới, những địa phương nào có chỉ số PCI tăng cao thì số doanh nghiệp được thành lập mới cũng tăng hơn những địa phương có chỉ số PCI đạt thấp.

Cụ thể như tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long... thời gian qua có chỉ số PCI tăng cao và ổn định nên số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng cao hơn so với các tỉnh có chỉ số PCI đạt thấp như Bạc Liêu, Cà Mau./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục