PEPFAR: Hành trình 20 năm trợ giúp người nhiễm HIV tại Việt Nam

Chương trình của PEPFAR tại Việt Nam đã duy trì tỷ lệ khống chế virus HIV ấn tượng là 99% tại 11 tỉnh trọng điểm ở Khu kinh tế phía Bắc và khu vực đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Hỗ trợ chăm sóc y tế cho người có HIV. (ảnh: T.G/Vietnam+)
Hỗ trợ chăm sóc y tế cho người có HIV. (ảnh: T.G/Vietnam+)

Với sự hỗ trợ của Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR), Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể kể từ năm 2014 trong việc làm chủ và dẫn dắt các nỗ lực ứng phó với HIV của mình. Hiện nay, hơn 70% trong số ước tính khoảng 240.000 người nhiễm HIV ở Việt Nam nhận được thuốc kháng virus thông qua bảo hiểm y tế thông qua tài trợ bởi các nguồn lực trong nước.

Thông tin tin trên được Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper’s nhấn mạnh tại buổi Lễ kỷ niệm 20 năm PEPFAR diễn ra ngày 9/5 tại Hà Nội.

Duy trì tỷ lệ khống chế virus HIV ấn tượng

Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper’s cho hay một năm sau khi Chính phủ Hoa Kỳ triển khai PEPFAR vào năm 2003, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất ở châu Á nhận được tài trợ tập trung của PEPFAR. Trong 10 năm sau đó, Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho hoạt động ứng phó với HIV quốc gia của Việt Nam, đóng góp 46% tổng ngân sách phòng chống HIV, với nguồn tài trợ bổ sung từ Quỹ Toàn cầu và các đối tác khác.

[VN trong số ít nước khống chế tốt dịch HIV ở nhóm tiêm chích ma túy]

Các nguồn lực của PEPFAR và Quỹ Toàn cầu đã cùng nhau hỗ trợ trực tiếp 90% chi phí mua sắm thuốc kháng virus (ARV) của Việt Nam để điều trị cho người bệnh, mang lại cho những người sống chung với HIV một cơ hội mới để không chỉ sống sót mà còn phát triển.

Từ năm 2021 đến năm 2022, PEPFAR Việt Nam đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng để hỗ trợ tiếp nhận 8.727 bệnh nhân mới điều trị bằng thuốc kháng virus đồng thời giúp duy trì ít nhất 89.000 người đang điều trị. Chương trình của Việt Nam đã duy trì tỷ lệ khống chế virus ấn tượng là 99% tại 11 tỉnh trọng điểm của PEPFAR ở Khu kinh tế phía Bắc và khu vực đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

“Ngoài việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, Việt Nam tập trung vào dự phòng kết hợp, cho phép khách hàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng toàn diện, bao gồm tư vấn và xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và truyền thông chiến lược được thiết kế để giáo dục những người có nguy cơ cao nhất, chẳng hạn như nam thanh niên có quan hệ tình dục đồng giới và chuyển giới nữ,” Đại sứ Marc E. Knapper’s phân tích.

PEPFAR: Hành trình 20 năm trợ giúp người nhiễm HIV tại Việt Nam ảnh 1Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper’s phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chương trình tại Việt Nam cũng đã điều chỉnh các chiến lược để đưa dịch vụ đến gần hơn với khách hàng. Trước năm 2014, tất cả các dịch vụ HIV ở Việt Nam được cung cấp trong khu vực công và bởi các nhân viên y tế. Ngày nay, có hơn 40 phòng khám tư nhân phục vụ những người sống chung với HIV, phần lớn trong số đó do các nhóm chính trong cộng đồng phụ trách.

Đại sứ John. Nkengasong - Điều phối viên Chương trình AIDS Toàn cầu và Đại biện về Ngoại giao y tế của Hoa Kỳ khẳng định Việt Nam thực sự nổi bật như một ví dụ toàn cầu về tính bền vững và huy động nguồn lực trong nước thông qua chương trình bảo hiểm y tế. Trong mười năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tài trợ và quản lý nhiều hợp phần trong hoạt động ứng phó với HIV, bao gồm chi trả cho tất cả các dịch vụ điều trị HIV và thuốc theo cách đáp ứng nhu cầu của người nhiễm HIV. Sự lãnh đạo về chính sách và tài chính của Chính phủ Việt Nam được quốc tế đánh giá cao để hoàn thành mục tiêu đáng khen ngợi này.

“Thứ hai, Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc thích ứng với những đổi mới, tiến bộ khoa học để triển khai ứng phó toàn diện. Chẳng hạn như, sự mở rộng nhanh chóng và gần đây của các dịch vụ PrEP là một thành tựu lớn,” Đại sứ John. Nkengasong cho hay.

PrEP tại Việt Nam chính thức bắt đầu vào năm 2020 và chỉ sau ba năm, số lượng khách hàng PrEP tích lũy đã lên tới 67.000, với 51.000 khách hàng sử dụng PrEP tính đến năm 2022 và mục tiêu đạt 72.500 khách hàng PrEP vào năm 2025 là rất tham vọng. Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số lượng người dùng PrEP, chỉ sau Australia với khoảng 57.000 người dùng ròng tính đến năm 2022.

Mong PEPFAR tiếp tục hỗ trợ Việt Nam các giải pháp ưu tiên

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã trải qua hơn 30 năm và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Việt Nam đã giữ vững tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%. Đây là những con số rất ấn tượng nói lên sự cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam.

PEPFAR: Hành trình 20 năm trợ giúp người nhiễm HIV tại Việt Nam ảnh 2Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để đạt được những thành tựu này, không thể không nói đến sự hỗ trợ to lớn về nguồn lực tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế trong suốt nhiều năm qua.

PEPFAR là nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam kể từ năm 2004 khi Việt Nam trở thành nước thứ 15 trên thế giới được tiếp nhận hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS. PEPFAR hiện đang hỗ trợ tại 11 tỉnh trọng điểm có số người nhiễm còn sống, chiếm 45,2% trên cả nước.

Trong gần 20 năm qua PEPFAR đã hỗ trợ mở rộng các dịch vụ phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV có chất lượng cho người sống chung với HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV/các quần thể đích thông qua hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật rất toàn diện và chất lượng bao gồm cả giới thiệu và nhân rộng các sáng kiến về tài chính bền vững, các mô hình cung cấp dịch vụ tiên tiến, hiệu quả.

Ngoài ra PEPFAR đã hỗ trợ Chính phủ thiết lập hệ thống quản lý thông tin toàn diện và bền vững và công nghệ mới; phát triển và duy trì mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS ở cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế mong PEPFAR tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế một số giải pháp ưu tiên đặc biệt là hỗ trợ cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm HIV trong tình trạng khẩn cấp đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề mua sắm và cung ứng thuốc, hàng hóa và vật tư y tế.

Bên cạnh đó là một số ưu tiên khác bao gồm mở rộng các mô hình tư vấn và xét nghiệm, mở rộng các tỉnh thụ hưởng trong chiến lược đáp ứng y tế công cộng để có đầy đủ các bằng chứng nhằm đưa ra các can thiệp phù hợp. Ngoài ra đứng trước tình hình dịch đang có xu hướng tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới, đề nghị PEPFAR hỗ trợ chiến lược tổng thể để can thiệp giảm bớt nguy cơ dịch HIV đang tăng nhanh trong nhóm này.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chính phủ Việt Nam cam kết cùng với hỗ trợ của PEPFAR để tiếp tục xây dựng các cơ chế tài chính cho việc chuyển giao bền vững các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, sự tham gia của các tổ chức xã hội trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS nhằm đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực huy động./.

Theo PEPFAR, trong 20 năm qua, việc tích cực mở rộng phạm vi điều trị đã làm thay đổi quỹ đạo của HIV/AIDS. Hơn 25 triệu người đã được cứu sống và 5,5 triệu trẻ em được sinh ra không nhiễm HIV nhờ các khoản đầu tư tập trung của PEPFAR trên toàn cầu.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục