PetroVietnam đóng góp quan trọng vào 4 trụ cột của đất nước

Làm việc với PetroVietnam tại Quảng Ngãi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, PetroVietnam là một trong những doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất trong nền kinh tế đất nước.
PetroVietnam đóng góp quan trọng vào 4 trụ cột của đất nước ảnh 1Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với sứ mệnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là đầu tàu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước, sau 47 năm xây dựng và trưởng thành (3/9/1975-3/9/2022), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện cả về quy mô và chiều sâu, hoàn chỉnh đồng bộ từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, đến công nghiệp khí, lọc hóa dầu, điện, khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) Lê Mạnh Hùng khẳng định, thông qua quản trị hiệu quả trên cơ sở thực hiện đồng bộ chuyển đổi số, quản trị biến động, quản trị danh mục đầu tư, quản trị chuỗi liên kết, Tập đoàn đã thực sự trở thành tập đoàn kinh tế mạnh trong nước và quốc tế, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, giữ vai trò xương sống về an ninh năng lượng (thăm dò khai thác, chế biến dầu-khí), an ninh lương thực (sản xuất, cung ứng phân bón phục vụ nông nghiệp), an ninh kinh tế (đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia) và cả cho an ninh quốc phòng (tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển).

An ninh năng lượng

Tại Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.”

Dầu khí luôn là nguồn năng lượng chính đảm bảo cho sự ổn định của các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dân sinh. Một trong những thành tựu lớn nhất mà Petrovietnam đạt được trong nhiều năm qua là không ngừng tích cực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và gia tăng trữ lượng dầu khí nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp, đầu vào cho các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Tại Lễ khánh thành Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 vào giữa tháng 7/2022 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, PetroVietnam có đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thông qua các dự án nhiệt điện trọng điểm mà Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 là minh chứng mới nhất; đảm bảo 1 trong 5 cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành những nước đứng đầu ASEAN trong cung cấp nguồn điện, phục vụ đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng. 

Trong lĩnh vực sản xuất điện, hiện PetroVietnam đã đưa vào vận hành an toàn, ổn định 2 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 2.400 MW (Sông Hậu 1 và Vũng Áng 1); 4 nhà máy nhiệt điện khí với tổng công suất 2.700 MW (Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2); hai nhà máy thủy điện với tổng công suất 305 MW (Hủa Na, Đakđrinh).

Tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện của PetroVietnam tới 5.405 MW, chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện phát trong toàn hệ thống điện quốc gia. Kết quả đó khẳng định vững chắc vai trò và vị thế của Petrovietnam với tư cách là nhà sản xuất điện lớn thứ hai tại Việt Nam.

Trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao, nguồn cung xăng dầu trên thế giới khan hiếm, thì việc xây dựng và quản trị chuỗi liên kết trong ngành Dầu khí càng có ý nghĩa trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Nhà máy lọc dầu Dung Quất dưới sự phối hợp hỗ trợ của các đơn vị từ khâu đầu đến khâu cuối thuộc PetroVietnam luôn đảm bảo được cung cấp đủ dầu thô để vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả ở mức 100-110% công suất, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Ban Kinh tế Trung ương, ngày nay an ninh năng lượng đã được tiếp cận hiểu theo cách phi truyền thống. Nghĩa là cần hiểu trên bối cảnh rộng hơn, không chỉ tập trung vào các mối đe dọa an ninh gây ra bởi sự gián đoạn đột ngột, sự tan rã và biến động giá cả từ các thao túng của những thỏa thuận cung cấp năng lượng hiện có như cách tiếp cận an ninh năng lượng truyền thống; bao gồm cả việc tiêu thụ, sự khan hiếm và phân bổ tài nguyên năng lượng không cân bằng, cũng như việc xử lý các thảm họa, nhất là về môi trường.

Dựa vào những tiêu chí này, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang thể hiện tốt vai trò của mình trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Trước đây, khi chưa có Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì sau khi khai thác được dầu thô, Việt Nam sẽ phải bán cho các nước có ngành lọc, hóa dầu phát triển và mua lại các sản phẩm xăng, dầu… đã được lọc từ họ. Việc này giống như việc “bán thô, mua tinh”, đồng nghĩa với việc bán rẻ, mua đắt, gây khó khăn trong việc dự trữ ngoại hối của đất nước và quan trọng hơn là không tự chủ được an ninh năng lượng quốc gia.

Theo thống kê, đến nay, PetroVietnam đã khai thác cả trong và ngoài nước được 441,5 triệu tấn dầu và 174,7 tỷ m3 khí, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu xăng dầu), đáp ứng 70% nhu cầu LPG, 90% condensate.

Tỷ trọng đóng góp của dầu khí trong cơ cấu năng lượng Việt Nam chiếm bình quân 40% tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay.

Số liệu mới nhất cho thấy, trong 7 tháng vừa qua, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng, ngành dầu khí vẫn duy trì tăng trưởng.

Theo đó, khai thác dầu thô trong toàn Tập đoàn đạt 0,9 triệu tấn, vượt 19% kế hoạch tháng 7. Tính chung 7 tháng đạt 6,38 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch 7 tháng và bằng 73% kế hoạch năm 2022. Cùng với đó, sản xuất xăng dầu 7 tháng vượt 8% kế hoạch, sản xuất đạm vượt 9% kế hoạch; sản xuất, cung ứng khí, điện, các sản phẩm năng lượng khác của Tập đoàn đều ở mức cao, đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

An ninh lương thực

Nếu nói thăm dò khai thác là nền tảng thì ngành chế biến dầu khí là “đỉnh” của chuỗi giá trị dầu khí. Chế biến dầu khí cung cấp các sản phẩm thiết yếu, giá trị cao cho nền kinh tế đất nước như xăng dầu, hóa chất, nhựa, xơ sợi… Đặc biệt, công nghệ chế biến dầu khí đã góp phần sản xuất ra hàng triệu tấn phân đạm, urê chất lượng cao đảm bảo hỗ trợ người nông dân có được những vụ mùa bội thu.

Với sứ mệnh tiên phong, PetroVietnam chính là cổ đông sáng lập và sở hữu hai nhà máy sản xuất phân đạm lớn nhất nước ta hiện nay, gồm Nhà máy Đạm Phú Mỹ (PVFCCo) và Nhà máy Đạm Cà Mau (PVCFC).

PetroVietnam đóng góp quan trọng vào 4 trụ cột của đất nước ảnh 2Người lao động Dầu khí trên Biển Đông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong những năm qua, cả hai nhà máy đều vận hành ổn định với tổng công suất vào khoảng 1,6 triệu tấn phân đạm (urê)/năm, đảm bảo cung cấp hơn 70% nhu cầu phân đạm (ure) của cả nước.

Hai nhà máy sản xuất phân bón nói trên thuộc khâu cuối trong chuỗi giá trị dầu khí-chế biến dầu khí-một trong 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của PetroVietnam, mắt xích cuối cùng tạo nên chuỗi giá trị gia tăng hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò-khai thác-chế biến-phân phối sản phẩm và dịch vụ dầu khí.

Hàng năm, lĩnh vực chế biến dầu khí đóng góp khoảng 20-25% tổng doanh thu của toàn PetroVietnam. Trong khi đó, với sự phát triển ổn định và bền vững của lĩnh vực chế biến dầu khí nói chung và sản xuất phân bón dầu khí nói riêng, PetroVietnam không chỉ góp phần hỗ trợ bà con nông dân cả nước có một nguồn phân bón ổn định, chất lượng cao, giá thành phù hợp, thực sự góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giúp đời sống hàng chục triệu người nông dân Việt Nam ngày càng ấm no, thịnh vượng.

An ninh kinh tế

Trong những năm qua, PetroVietnam luôn tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Tập đoàn luôn chủ động tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng và Chính phủ đối phó với những biến động phức tạp của nền kinh tế đất nước. Các sản phẩm chiến lược của Tập đoàn như dầu thô, xăng dầu, đạm, điện, khí, LPG... đã và đang góp phần tích cực chủ động bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế đất nước.

Vững vàng vượt qua thử thách và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất, để từng bước, PetroVietnam phục hồi tăng trưởng một cách ngoạn mục, nỗ lực đóng góp cao nhất cho nền kinh tế đất nước.

Năm 2020 được đánh giá là năm khó khăn nhất trong lịch sử PetroVietnam, vừa phải tập trung ứng phó với đại dịch COVID-19, vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí (có thời điểm xuống -37 USD/thùng).

Dù vậy, vượt qua khó khăn, Tập đoàn đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 83.000 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm 2020, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước và cân đối ngân sách nhà nước.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến càng phức tạp, lan rộng trên toàn thế giới, nước ta cũng gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề. Trong bối cảnh đó, PetroVietnam vẫn tiếp tục vững vàng vượt qua sóng gió, hoàn thành toàn diện các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách Nhà nước đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với năm 2020. Kết quả sản xuất-kinh doanh của Petrovietnam đã dẫn đầu 19 tập đoàn, Tổng Công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong 7 tháng vừa qua, trong bối cảnh thị trường năng lượng có nhiều biến động do cuộc xung đột Nga-Ukraine, các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác đều có xu hướng suy giảm sản lượng lớn, song PetroVietnam đã nỗ lực duy trì, gia tăng sản lượng khai thác để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế đất nước.

Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn 7 tháng ước đạt 79,6 nghìn tỷ đồng, vượt 74% so với kế hoạch 7 tháng, vượt 23% kế hoạch năm 2022 và tăng 47% so với cùng kỳ 2021.

An ninh quốc phòng

Không chỉ đóng góp về kinh tế, mà sự xuất hiện, hoạt động của những đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân và mỗi một giàn khoan của ngành dầu khí trên biển chính là sự khẳng định chủ quyền của đất nước, thể hiện việc thực hiện chiến lược kinh tế biển của Việt Nam.

Nơi những dự án dầu khí đang triển khai, những giàn khai thác, giàn khoan, tàu thăm dò địa chấn, tàu trực mỏ đều là những “vọng gác tiền tiêu,” là cột mốc chủ quyền trên Biển Đông, cũng là điểm tựa cho ngư dân bám biển…

Những năm qua, ngành Dầu khí đã tự lực và phối hợp với các công ty dầu khí nước ngoài triển khai hàng loạt các dự án địa chấn 2D, 3D, khoan thăm dò trên thềm lục địa Việt Nam. Bên cạnh việc chủ động đầu tư vào công tác khảo sát, điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể tiềm năng dầu khí, PetroVietnam còn chú trọng tính toán các cơ hội đầu tư vào vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm, làm căn cứ pháp lý về chủ quyền biển đảo.

Vừa qua, làm việc với PetroVietnam tại Quảng Ngãi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, PetroVietnam là một trong những doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất trong nền kinh tế đất nước.

Trước đây, từng có thời điểm PetroVietnam đóng góp đến gần 25% cho kinh tế quốc gia. Tập đoàn ngày càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Ngoài đóng góp lớn cho ngân sách, PetroVietnam còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế-đối ngoại của quốc gia, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm dầu khí, tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế; đóng góp quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục