Nếu Khu vực tự do đi lại châu Âu (Schengen) bị phá vỡ, Liên minh châu Âu (EU) sẽ chịu thiệt hại lên đến 1.400 tỷ euro trong 10 năm tới.
Các nền kinh tế hàng đầu châu lục cũng sẽ chịu tổn thất không nhỏ một khi các biện pháp kiểm soát biên giới được áp dụng trở lại.
Tổ chức Bertelsmann Foundation có trụ sở tại Đức tính toán rằng trong kịch bản bi quan nhất, khi Khu vực Schengen bị phá vỡ, các trạm kiểm soát xuất hiện trở lại tại biên giới các nước, giá hàng hóa nhập khẩu có thể tăng tới 3%, tương đương thiệt hại 235 tỷ euro cho nền kinh tế đầu tàu là Đức và 244 tỷ euro cho Pháp trong vòng một thập kỷ từ 2016 đến năm 2025.
Tổ chức này chỉ ra rằng khi phải thực hiện các biện pháp kiểm tra tại biên giới, thời gian vận chuyển hàng hóa trong châu Âu sẽ tăng lên, đẩy giá thành hàng hóa lên cao đối với các công ty và người tiêu dùng.
Bertelsmann Foundation tính cụ thể rằng mức tăng này tối thiểu cũng lên đến 77 tỷ euro cho Đức và 80,5 tỷ cho Pháp. Ngay cả những nước ngoài châu Âu cũng sẽ phải chịu mức giá cao hơn, ví dụ Mỹ và Trung Quốc sẽ phải chịu mức tăng từ 91 đến 280 tỷ euro.
Ngay cả khi giá hàng nhập khẩu chỉ tăng 1%, phá bỏ Schengen cũng sẽ khiến EU phải chi phí thêm 470 tỷ euro từ nay đến năm 2025. Thiệt hại này có thể lên đến 1.400 tỷ euro, hay 10% Tổng Sản phẩm nội khối (GDP) của liên minh 28 thành viên này.
Bertelsmann Foundation khẳng định việc tái kiểm soát biên giới sẽ gây thêm sức ép lên tốc độ tăng trưởng vốn đang yếu của EU.
Khu vực đi lại tự do Schengen được thành lập 30 năm trước, "nối liền biên giới" 26 nước, trong đó có 22 nước là thành viên EU. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư vẫn đang chưa có giải pháp hiện nay, hệ thống đi lại miễn thị thực đang có nguy cơ bị phá vỡ do nhiều nước thành viên Schengen siết chặt biên giới để ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép xâm nhập vào trong nước.
Hôm 21/2, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cảnh báo trong hai tuần tới, các nước EU "cần phải thống nhất một cách tiếp cận chung nếu không muốn viễn cảnh Schengen đổ vỡ xảy ra"./.