Phác họa đường lối lãnh đạo của Tổng thống Philippines

Nếu màn thể hiện của ông Marcos trong tháng qua là nét phác họa về khả năng lãnh đạo của ông trong 6 năm tới, chúng ta có thể giả định nhiệm kỳ tổng thống về cơ bản sẽ tương tự như người tiền nhiệm.
Phác họa đường lối lãnh đạo của Tổng thống Philippines ảnh 1Ông Ferdinand Marcos Jr. (Nguồn: AP)

Trang mạng thediplomat.com đưa tin ông Ferdinand Marcos Jr đã đánh dấu tháng cầm quyền đầu tiên của mình trên cương vị tổng thống Philippines vào ngày 30/7.

Nếu màn thể hiện của ông Marcos trong tháng qua là nét phác họa về khả năng lãnh đạo của ông trong 6 năm tới, chúng ta có thể giả định rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông về cơ bản sẽ tương tự như người tiền nhiệm.

Ông Marcos sẵn sàng tiếp nối di sản của ông Rodrigo Duterte, nhưng ông sẽ không chửi bới hay nói tục khi nói chuyện trước đám đông như người tiền nhiệm.

Trong số những người được ông Marcos bổ nhiệm trong Nội các đầu tiên có các nhà kinh tế cũng từng làm việc dưới thời chính quyền Duterte.

[Tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr và kỷ nguyên mới của Philippines]

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nền tảng kinh tế của ông Marcos, mà cuối cùng ông đã công bố trong thông điệp quốc gia hồi tuần trước, đã tham khảo nhiều từ kế hoạch phát triển của chính quyền tiền nhiệm.

Ông Marcos có thể đang cố gắng đảm bảo với các nhà đầu tư trong và ngoài nước rằng ông sẽ không áp đặt những thay đổi mạnh mẽ khi đưa ra các chính sách đối với khu vực kinh doanh.

Nhưng ông Marcos chắc chắn sẽ làm thất vọng những người ủng hộ của ông, những người mong đợi ông sẽ nhanh chóng cải thiện điều kiện của người nghèo sau 2 năm quay cuồng với tác động tàn phá của đại dịch COVID-19.

Trong 2 bài phát biểu quan trọng của mình kể từ khi trở thành tổng thống, ông Marcos đã không đề cập đến việc tăng lương và kiểm soát giá nhiên liệu và lương thực cao, nhưng ông nhất quán trong việc thảo luận về cải cách thuế và hợp lý hóa bộ máy quan liêu.

Ông cũng đã nói về việc tạo ra doanh thu nhưng không nói về việc phân phối của cải.

Ông đã liệt kê một số mục tiêu kinh tế vĩ mô nhưng không giải thích tiến độ thực sự có thể đạt được như thế nào bằng cách tiếp tục các chương trình của chính phủ tiền nhiệm, vốn chủ yếu dựa vào các khoản nợ và thu thuế cao hơn để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Khi trình bày thông điệp quốc gia vào ngày 25/7, ông Marcos đã gây ấn tượng với nhiều người bởi sự hiểu biết tường tận của ông về những gì cần phải làm để vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn.

So với phong cách nói chuyện lan man của ông Duterte, tân Tổng thống Marcos sẽ dễ dàng nổi bật hơn khi nói chuyện một cách rõ ràng.

Nhưng nếu không có bài phát biểu được chuẩn bị trước, ông Marcos cũng tỏ ra lúng túng trong một số cuộc họp báo trong tháng qua.

Có thời điểm, ông thậm chí còn không đồng tình với tỷ lệ lạm phát cao dựa trên một báo cáo do một cơ quan chính phủ công bố.

Trong một cuộc họp báo khác, ông đã khiến công chúng bối rối khi đưa ra những nhận xét không mạch lạc về cuộc khủng hoảng giao thông.

Đúng như dự đoán, ông Marcos vẫn giữ im lặng trước các vấn đề xã hội cấp bách khác như tham nhũng, tiến trình hòa bình và các hành vi vi phạm nhân quyền của lực lượng an ninh.

Ông đã không thảo luận về khoản thuế bất động sản mà gia đình ông nợ ngân khố quốc gia.

Liệu ông Marcos có đủ khả năng để im lặng trước những vấn đề cấp bách này trong 6 năm tới hay không?

Liệu ông có thể tiếp tục minh oan cho triều đại khét tiếng của cha mình, người đã cai trị đất nước với tư cách là một nhà độc tài trong 2 thập kỷ, bằng cách chỉ đơn giản là làm sống lại các chương trình dân túy của thời kỳ Thiết quân luật?

Ông Marcos đã lảng tránh nhiều chủ đề nhưng ông cẩn thận nhất khi nói về người tiền nhiệm Duterte.

Ông Marcos tuyên bố sẽ tiếp tục các dự án cơ sở hạ tầng của chính phủ tiền nhiệm nhưng ông không chỉ trích phản ứng của ông Duterte đối với đại dịch COVID-19.

Ông đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế đất nước là do các yếu tố bên ngoài mặc dù ông bác bỏ mô hình phong tỏa nghiêm ngặt mà chính phủ Duterte đã thực hiện vào năm 2020 và năm 2021.

Ông Marcos chưa bao giờ đề cập đến cuộc điều tra đang chờ xử lý tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) với cáo buộc ông Duterte phạm tội ác nghiêm trọng chống lại loài người.

Ông Marcos thậm chí còn không thảo luận về “cuộc chiến chống ma túy” khét tiếng của ông Duterte ngay cả khi cựu tổng thống vẫn kiên định với niềm tin rằng mối đe dọa ma túy là nguyên nhân chính gây ra xung đột trong xã hội.

Nếu ông Marcos cần phải từ bỏ tầm nhìn kinh tế của mình, ông không cảm thấy bắt buộc phải xây dựng học thuyết hòa bình và trật tự nữa.

Tương tự như nhóm kinh tế của ông, hầu hết các tướng lĩnh cảnh sát và quân đội cố vấn cho ông về an ninh quốc gia cũng đều là những người được bổ nhiệm dưới thời ông Duterte.

Những người thực thi các chiến dịch chống ma túy bất hợp pháp đẫm máu và lực lượng nổi dậy cộng sản đã được giữ lại dưới chính quyền Marcos.

Tân Tổng thống Marcos đã ngầm tán thành “cỗ máy khủng bố” của ông Duterte bằng cách chọn duy trì luật pháp, chính sách và sự phối hợp liên ngành để hỗ trợ cho các “cuộc chiến cục bộ” mà chính phủ tiền nhiệm theo đuổi.

Ông Marcos đã kết thúc bài phát biểu trước công chúng bằng cách khẳng định rằng tình trạng của đất nước là "ổn định."

Đó là một tuyên bố phóng đại do tác động khắc nghiệt của cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế.

Ông có thể đang đề cập đến sự thống trị liên tục của các triều đại chính trị và những cơ hội tươi sáng cho các nhà tài chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình.

Giống như các thông điệp quốc gia trước đây, điều quan trọng hơn không phải là bài phát biểu đầy hy vọng của tổng thống, mà là điều nhà lãnh đạo cố tình không thừa nhận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục