Phải chăng Trung Quốc đang thất bại với Sáng kiến 17+1?

Sau một thập kỷ hợp tác với Trung Quốc theo cơ chế 17+1, nhiều nước Trung Á và Đông Âu đang tỏ ra nghi ngờ về mối quan hệ hợp tác chặt chẽ của khu vực với Bắc Kinh.
Phải chăng Trung Quốc đang thất bại với Sáng kiến 17+1? ảnh 1Bất chấp những hứa hẹn tại nhiều hội nghị thượng đỉnh 17+1, Trung Quốc đầu tư rất ít vào các nước Trung Á và Đông Âu. (Nguồn: Getty Images)

Trong bài viết đăng tải trên trang mạng của Viện Chiến lược Chính sách Australia, nhà quản lý cao cấp tại Công ty Mạng lưới Internet băng thông rộng quốc gia (NBN) Australia John Varano nhận định sáng kiến 17+1 giữa Trung Quốc, các quốc gia Trung Á và Đông Âu (CEE) đã không đạt được hiệu quả như mong muốn và có khả năng đảo ngược mối quan hệ "giao hảo" giữa hai bên, gây ra một số tổn hại không mong muốn cho Bắc Kinh.

Theo tác giả, được thành lập vào năm 2012, sáng kiến 17+1 là nỗ lực hàng đầu của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy mối quan hệ kinh tế với các quốc gia CEE. Đây được coi là một phần mở rộng của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Một số nhà quan sát châu Âu đã tỏ ra lo ngại về những tác động tiêu cực mà sáng kiến 17+1 có thể tạo ra cho những dự án của "Lục địa Già." Tuy nhiên, hiện mọi việc dường như đã được làm sáng tỏ.

Sau một thập kỷ hợp tác giữa các nước CEE và Trung Quốc theo cơ chế 17+1, nhiều nước CEE đang tỏ ra nghi ngờ về mối quan hệ hợp tác chặt chẽ của khu vực với Bắc Kinh, do ba xu hướng chính được hình thành.

Thứ nhất, bất chấp những hứa hẹn tại nhiều hội nghị thượng đỉnh 17+1, Trung Quốc đầu tư rất ít vào các nước CEE.

[Eurostat: Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu EU]

Năm 2012, Bắc Kinh cam kết cung cấp cho khu vực này 12 tỷ USD hạn mức tín dụng, để thúc đẩy những phát triển mới về cơ sở hạ tầng, công nghệ và năng lượng tái tạo.

Nhưng việc không cung cấp được bất kỳ khoảng đầu tư quan trọng nào đã khiến hầu hết các nước CEE thay đổi thái độ với Trung Quốc.

Hiện tại, chỉ có 4 trong số 40 dự án hình thành theo đề xuất 17+1 được thực hiện thành công, bao gồm Cảng Piraeus ở Hy Lạp, Cầu Pupin và dự án mở rộng nhà máy điện Kostolac ở Serbia, cùng một đường cao tốc lớn ở Montenegro.

Sau nhiều năm diễn ra các hội nghị thượng đỉnh 17+1, quá ít kết quả hữu hình khiến nhiều nước CEE tỏ ra không hài lòng trước viễn cảnh tương lai kinh tế với Bắc Kinh.

Vào tháng 1/2020, Cộng hòa Séc đã quyết định "bỏ qua" Hội nghị thượng đỉnh 17+1 lần thứ 9, dự kiến được tổ chức vào tháng 4/2020, với lý do Trung Quốc thiếu các khoản đầu tư thực tế - một đòn giáng mạnh đối với Bắc Kinh khi chính Tổng thống Cộng hòa Cộng hòa Séc Milos Zemand đã từng ca ngợi sáng kiến này là “ưu tiên đầu tư của Trung Quốc” dành cho Prague. Sau đó, Hội nghị thượng đỉnh này đã bị hoãn vô thời hạn do đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, dự án hàng đầu của sáng kiến 17+1, tuyến đường sắt cao tốc Budapest-Belgrade, vẫn đang được triển khai. Nhưng sự thiếu vắng của hầu hết các dự án lớn đã phá hủy thiện cảm của các nước CEE dành cho Trung Quốc.

Hơn nữa, suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 khiến cho Bắc Kinh càng khó khăn hơn trong việc cam kết với các dự án CEE, vì nước này phải lựa chọn đặt ưu tiên vào hoạt động phục hồi kinh tế trong nước.

Các dự án BRI có khả năng cũng sẽ phải giảm quy mô do Trung Quốc chuyển trọng tâm sang mua lại các mục tiêu chiến lược.

Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể vẫn tính đến phương án "đền bù" các nước CEE, nếu khu vực này tiếp tục dành sự ủng hộ cho Trung Quốc.

Thứ hai, hầu hết các nước CEE đang đánh giá lại hậu quả chính trị của sự phụ thuộc lẫn nhau với Trung Quốc.

Khi khởi xướng sáng kiến 17+1, châu Âu đã bày tỏ quan ngại cho rằng việc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham gia vào CEE có khả năng gây chia rẽ EU.

Điều này được minh chứng thông qua việc Trung Quốc đã thúc đẩy sự hình thành Nhóm Visegrad, bao gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia, ca ngợi các quốc gia này là "lực lượng năng động," bất chấp những xung đột của họ với Brussels về vấn đề nhập cư và các quyền cơ bản.

Với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng, Trung Quốc đã tích lũy được tầm ảnh hưởng, đủ để gây tác động đáng kể đến chính sách của các nước CEE đối với Bắc Kinh.

Ví dụ, tuyên bố của EU gửi lên Liên hợp quốc tố cáo hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc đã bị Hungary và Hy Lạp chặn, trong đó Athens mô tả tuyên bố là "lời chỉ trích không có tính xây dựng đối với Trung Quốc."

Tuy nhiên, các nước CEE đang dần chuyển trọng tâm mối quan hệ với Trung Quốc từ tìm kiếm các cơ hội kinh tế sang lo ngại các rủi ro chính trị và an ninh tiềm ẩn. Vào tháng Năm vừa qua, Romania đã chấm dứt việc liên doanh xây dựng nhà máy điện hạt nhân với một công ty Trung Quốc.

Trong khi Latvia tuyên bố Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia, sau khi cơ quan tình báo nước này công bố những lo ngại về gián điệp mạng.

Những thay đổi này và những động thái khác nữa đã khiến hầu hết các nước CEE, ngoại trừ Hy Lạp, Hungary và Serbia, quyết định không tham gia Hội nghị trực tuyến BRI vào tháng 6/2020.

Đến tháng 8/2020, Bắc Kinh công khai tỏ thái độ không hài lòng với chuyến thăm đến vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) để thúc đẩy liên kết thương mại của người phát ngôn Thượng viện Cộng hòa Séc Milos Vystrcil. Bắc Kinh thậm chí đã ám chỉ tới việc Praha sẽ phải trả một "cái giá đắt."

Thứ ba, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến nhiều nước CEE phải đánh giá lại về nguy cơ mất liên kết với các đồng minh khác.

Cuộc chiến công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến khu vực CEE nhìn nhận lại về chiến lược 5G của Trung Quốc tại khu vực.

Cho đến nay, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Romania, Serbia và Slovenia đều đã đưa ra các biện pháp hạn chế tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham dự vào việc xây dựng mạng lưới công nghệ viễn thông 5G trong nước.

Hơn nữa, các nước CEE đã nhận được "hiệu lệnh" từ Washington, công khai khuyến khích các đồng minh tham gia vào chương trình "Mạng lưới Sạch" của Mỹ, nhằm bảo vệ cường quốc lớn nhất thế giới chống lại khả năng bị tấn công mạng, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Vào tháng 9/2020, Chính phủ Ba Lan đưa ra một dự thảo luật mới nhằm loại trừ các nhà cung cấp viễn thông quốc tế, được coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh mạng quốc gia. Nếu dự luật được thông qua, Huawei sẽ bị cấm tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của Ba Lan.

Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng việc các nước CEE mất niềm tin vào mối quan hệ tương lai của họ với Trung Quốc có thể khiến khuôn khổ 17+1 kết thúc nhanh chóng.

Nếu điều đó xảy ra, Bắc Kinh chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý các chi phí phát sinh, do không tận dụng được những cơ hội và lợi ích mà sáng kiến này có thể mang lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục