Phản biện xã hội đối với dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Ngày 6/9, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Ngày 6/9, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Hơn 10 năm thực hiện, Luật Phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội, theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng không còn phù hợp, mang tính chung chung, hình thức và thiếu những giải pháp mang tính đột phá, đủ mức độ răn đe và thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước, xã hội đối với người có hành vi tham nhũng.

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XVI thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 gồm 95 điều, giảm 25 điều và tăng 3 chương (11 chương) so với Luật hiện hành.

Tăng cường sự tham gia của Mặt trận, báo chí và nhân dân

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung phản biện xã hội đối với quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý; đề xuất những nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; việc kê khai tài sản, thu nhập...

Góp ý quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Huy Cương, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng đối với những tài sản, thu nhập không giải trình được phải coi là tài sản bất chính.

Giải pháp hợp lý nhất là đưa ra tòa án để xem xét xung công quỹ hoặc trả lại chủ tài sản hợp pháp.

Đồng quan điểm, Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Huyên nhận định việc công khai tài sản thu nhập là rất quan trọng trong phòng, chống tham nhũng.

Dự án Luật cần mở rộng các hình thức công khai việc kê khai tài sản, thu nhập, không nên bó hẹp quy định để người dân tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, dự án Luật cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội... trong giám sát, phòng chống tham nhũng.

Đây cũng là ý kiến của luật sư Trần Hữu Huỳnh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, dự án Luật cần có các điều khoản quy định rõ ràng, cụ thể về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, nhân dân trong giám sát phòng, chống tham nhũng.

[29 người đứng đầu bị xử lý vì thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng]

Hình thành cơ chế pháp lý ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu

Nhiều ý kiến đề xuất dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần có quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bổ sung các hình thức công khai, minh bạch trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; có cơ chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng…

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, việc hình thành một cơ chế pháp lý ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Tiêu cực, tham nhũng chủ yếu xảy ra trong các cơ quan nhà nước. Ở nơi nào người đứng đầu cơ quan nhà nước nghiêm túc gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật, có ý chí và quyết tâm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan mình, ở đó tiêu cực, tham nhũng khó có điều kiện xảy ra.

Hơn nữa, nếu tiêu cực, tham nhũng có xảy ra, trước hết cần chỉ rõ trách nhiệm của những người có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước, trong đó có người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan đó.

Việc hình thành các quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng cần phải được xem là một nội dung quan trọng và xuyên suốt dự án Luật - Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường đề xuất.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần có sự nghiên cứu kỹ đối với từng vấn đề và có sự tham gia, góp ý của nhiều cơ quan, tổ chức và nhân dân để hoàn thiện.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với các nội dung của dự án Luật, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổng hợp kiến nghị gửi tới cơ quan soạn thảo và các cơ quan có thẩm quyền trước khi dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục