Phân cấp sát hạch bằng

Thực hiện phân cấp đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe

Bộ Giao thông Vận tải ra hàng loạt biện pháp chấn chỉnh nhằm nâng chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đường bộ.
Thanh tra Bộ Giao thông vận tải vừa có kết quả báo cáo tổng hợp thanh tra theo kế hoạch và đột xuất đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại 15 địa phương.

Ngoài việc chỉ ra nhiều sai sót, vi phạm và xử lý nhiều cơ quan, đơn vị, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra hàng loạt biện pháp chấn chỉnh nhằm nâng chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đường bộ. Cụ thể, Bộ sẽ phân cấp cho địa phương thực hiện các công việc quản lý trực tiếp (quản lý đào tạo, tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe...) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

["Lật tẩy" hàng loạt sai phạm về cấp giấy phép lái xe]

Mặt khác, Thanh tra Bộ cũng kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu để trình Bộ Giao thông Vận tải bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách quản lý về công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe theo hướng phân cấp cho địa phương thực hiện các công việc quản lý trực tiếp (quản lý đào tạo, tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe...).

Theo đó, Tổng cục Đường bộ phải nghiên cứu về chương trình đạo tạo tập trung học pháp luật giao thông đường bộ, kỹ năng lái xe và xử lý các tình huống giao thông đồng thời đổi mới nội dung đào tạo các môn lý thuyết (nghiệp vụ vận tải, cấu tạo và sửa chữa; bảo dưỡng...) cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Về tổ chức và quản lý đào tạo và tổ chức đào tạo, Tổng cục Đường bộ cần đổi mới, hiện đại hóa hoặc giảm thủ tục hành chính cho phù hợp với đào tạo nghề ôtô như quy định về giáo án điện tử, sổ tay giáo viên, sổ quản lý học sinh; nhật ký dạy thực hành; quy định về số lượng học viên/lớp học; tổ chức thi, đánh giá trong quá trình đào tạo lái xe...

“Tổng cục ban hành các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở, trung tâm đào tạo nhằm hạn chế việc cấp phép cho các cơ sở đào tạo lái xe quy mô nhỏ và cơ sở vật chất hạn chế đặc biệt là về sân bãi, xe tập lái, tiêu chuẩn giáo viên... gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo,” Thanh tra Bộ kiến nghị.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cũng yêu cầu các trung tâm cơ sở đào tạo công khai kế hoạch sát hạch trên cổng thông tin điện tử để nhân dân tham gia giám sát, phòng chống tiêu cực; quy định tiêu chuẩn cụ thể và tăng cường giám sát sát hạch trên đường./.
Kết quả báo cáo tổng hợp thanh tra đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại 15 địa phương cho thấy, Thanh tra Bộ Giao thông đã đình chỉ tuyển sinh 10 cơ sở đào tạo lái xe ôtô và xe máy do không đủ tiêu chuẩn theo quy định và công tác giáo vụ yếu kém; đình chỉ hoạt động 1 trung tâm sát hạch và hạ lưu lượng 5 cơ sở đào tạo lái xe ôtô để phù hợp với số lượng xe tập lái và giáo viên hiện có; kiểm điểm, xử lý 8 sát hạch viên có sai sót trong việc chấm bài thi sát hạch lý thuyết môtô hạng A1 không chính xác.

Bên cạnh đó, tại kết quả kiểm tra đột xuất do Vụ Tổ chức cán bộ và Thanh tra Bộ thực hiện tháng 7/2013 đã đình chỉ sát hạch 2 trung tâm và 1 Hội đồng sát hạch lái xe, yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và đình chỉ tuyển sinh 1 cơ sở đào tạo; xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 trung tâm sát hạch và 1 cơ sở đào tạo lái xe với số tiền 30 triệu đồng.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục