Phấn đấu dư nợ thị trường trái phiếu đạt 45% GDP vào năm 2020

Theo Lộ trình Phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020, 65% GDP năm 2030.
Phấn đấu dư nợ thị trường trái phiếu đạt 45% GDP vào năm 2020 ảnh 1Kiểm tra, giám sát đấu thầu trái phiếu điện tử. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Lộ trình Phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030.

Để tìm hiểu rõ hơn về lộ trình, cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện và các giải pháp để đạt được mục tiêu trên, phóng viên ​VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính.

- Chính phủ đã phê duyệt Lộ trình Phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, vậy bà có thể cho biết những điểm mới của lộ trình này?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Có thể nói rằng về các điểm mới của lộ trình này bắt đầu từ mục tiêu đặt ra. Theo đó, mục tiêu là gắn việc phát triển thị trường trái phiếu trong việc phát triển đồng bộ các thị trường khác, các cấu phần của thị trường khác trong thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ, tài chính, tín dụng, ngân hàng.

Đối với các vấn đề về giải pháp, lộ trình đi chi tiết vào những nội dung như phát triển các nhà tạo lập thị trường, phát triển hệ thống các nhà đầu tư, vấn đề tái cơ cấu lại các định chế trung gian, vấn đề phát triển thị trường cơ sở, công nghệ thông tin.

Một phần khá quan trọng trong lộ trình này là hợp tác quốc tế để Việt Nam có thể hội nhập được với khu vực và thế giới trong việc phát triển thị trường trái phiếu.

​- Theo bà, thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay có những hạn chế gì để chúng ta phải đề ra một chiến lược phát triển dài hơi?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Trong một thời gian dài phát triển thị trường trái phiếu, chúng tôi nhận thấy tồn tại và hạn chế lớn nhất của thị trường trái phiếu nói chung đó là quy mô thị trường nhỏ.

Tính đến cuối năm 2016 và đầu năm nay, dư nợ của tổng thị trường vào khoảng 35% GDP; trong đó đa phần là trái phiếu Chính phủ, bởi vì trong thời gian vừa qua Chính phủ Việt Nam đã tập trung thực hiện rất nhiều các giải pháp để phát triển thị trường Trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên nếu so sánh với các nước ở khu vực, có thể thấy quy mô thị trường trái phiếu của Việt Nam còn hạn chế. Các nước khác tối thiểu dư nợ của tổng thị trường trái phiếu chiếm từ 60-70% GDP. Tại Nhật Bản con số này còn lên tới khoảng 200% GDP.

Thứ hai là tính thanh khoản của thị trường trái phiếu ở Việt Nam cũng chưa được cao, vào khoảng từ 8.000 đến 10.000 tỷ đồng/phiên. Nếu so với các nước trong khu vực và thế giới con số này cũng là tương đối nhỏ.

Một điểm mới nữa liên quan đến bản chất phát triển của thị trường đó là hệ thống cơ sở nhà đầu tư. Nếu như ở các nước đa phần nhà đầu tư là nhà đầu tư dài hạn, ở Việt Nam mặc dù đã có sự cải cách nhưng hệ thống các nhà đầu tư phần lớn là ngắn hạn. Điều này cũng cản trở cho sự phát triển của thị trường trái phiếu.

Chính vì những vấn đề này mà trong lộ trình phát triển trái phiếu Chính phủ vừa mới ban hành đã đặt một mục tiêu dài hạn, dài hơi hơn, nhằm đảm bảo trái phiếu là kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.

- Bà có thể đánh giá vai trò của trái phiếu doanh nghiệp trong thị trường trái phiếu. Liệu đây có phải là bước đi hiệu quả để nâng cao chất lượng của thị trường vốn và giảm sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn ngắn hạn của các ngân hàng?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Nhìn vào sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam, hệ thống ngân hàng đã rất phát triển từ khi Việt Nam lập nước. Do đó kênh ngân hàng là kênh cung cấp vốn lớn cho nền kinh tế.

Thực tế nguồn tiền gửi vào hệ thống ngân hàng khoảng từ 60 đến 70%, thậm chí 80% là vốn ngắn hạn. Do đó khi các ngân hàng cho vay trung và dài hạn sẽ mang lại những rủi ro về mặt kỳ hạn đối với cả hệ thống ngân hàng.

Nếu làm một bài toán so sánh, 6 tháng đầu năm ​nay, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 5% GDP, trong khi đó dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế vào khoảng 130% GDP.

Đây là khoảng cách rất lớn giữa thị trường trái phiếu doanh nghiệp với lượng dư nợ mà hệ thống ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế. Chính vì lý do đó mà mục tiêu của lộ trình đợt tới cũng như các giải pháp thực hiện sẽ tập trung vào phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói theo bản chất của thị trường là sẽ tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp.

Việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là một trong những yếu tố để khuyến khích cũng như nâng cao tính công khai minh bạch và công bố thông tin của các doanh nghiệp.

Phấn đấu dư nợ thị trường trái phiếu đạt 45% GDP vào năm 2020 ảnh 2(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Đây không phải việc đơn giản, nó phải xuất phát từ vấn đề từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cải thiện hệ thống, hạ tầng giao dịch cho thị trường.

Không kém phần quan trọng đó là sự phối hợp giữa chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp với chính sách tín dụng của ngân hàng khi mà chúng ta cần phải có những giải pháp để đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống ngân hàng.


​- Lộ trình này có đưa ra mục tiêu, ví dụ như là dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt 7% GDP vào năm 2020 và 20% và năm 2030. Vậy theo bà, Bộ Tài chính đã có những giải pháp gì để hiện thực hóa các mục tiêu này?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Đây là những mục tiêu cụ thể của lộ trình về quy mô của thị trường. Ngoài ra lộ trình cũng có những mục tiêu cụ thể khác như vấn đề về thanh khoản đối với thị trường trái phiếu.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tài chính đã đưa ra giải pháp khuôn khổ pháp lý từ các vấn đề về luật cho đến các vấn đề về nghị định và thông tư.

Bộ Tài chính cũng chú trọng vào việc phát triển thị trường sơ cấp để tạo ra nguồn cung tốt cho thị trường. Ngoài ra tập trung vào hệ thống cầu của thị trường đó là hệ thống các nhà đầu tư, bao gồm phát triển những nhà đầu tư dài hạn; tập trung vào các vấn đề tổ chức thị trường, cũng như các định chế trung gian để tham gia vào thị trường.

Việc tổ chức thị trường sẽ chú trọng đến hiện đại hóa hệ thống giao dịch và hệ thống lưu ký, rút ngắn thời gian thanh toán đăng ký, lưu ký. Đây là những yếu tố để giúp cho tính thanh khoản của thị trường tốt hơn.

Còn đối với các định chế trung gian bao gồm các ngân hàng, các công ty tài chính, các công ty chứng khoán sẽ thực hiện tái cơ cấu theo các đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng để nâng cao khả năng quản trị cũng như tài chính.

Một giải pháp nữa đó là sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhau như giữa Bộ Tài chính với Ngân hàng Nhà nước với các bộ, ngành khác, giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các thành viên thị trường.

Sự phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các thành viên thị trường, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam trong thời gian vừa qua được triển khai tốt. Tôi cho rằng, đây là tiền đề để Bộ Tài chính có những bước đi tiếp theo nhằm hiện thực hóa được các giải pháp, mục tiêu trong lộ trình này.


Xin cảm ơn bà!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục