Phản đối DOC điều tra chống trợ cấp sản phẩm

Chính phủ Việt Nam phản đối việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra biện pháp chống trợ cấp đối với sản phẩm xuất khẩu của VN.
Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, cho biết Chính phủ Việt Nam phản đối việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong khi vẫn coi Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường.

Theo phán quyết sơ bộ được công bố ngày 31/8 vừa qua sau khi tiến hành vụ điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp đầu tiên liên quan đến Việt Nam, được thực hiện với mặt hàng túi nhựa Polyethylene đựng hàng hóa bán lẻ, DOC kết luận Việt Nam có trợ cấp đối với mặt hàng này.

Ba bị đơn bắt buộc trong vụ việc này là Công ty Advance Polybag, Công ty Chin Sheng và Tập đoàn doanh nghiệp Fotai Việt Nam phải nhận mức thuế suất trợ cấp tương ứng là 0,2%, 1,69 % và 4,25%. Những doanh nghiệp khác nhận mức thuế 2,97%.

Trả lời phỏng vấn TTXVN sau khi DOC công bố quyết định này, ngày 15/9, Cục trưởng Bạch Văn Mừng khẳng định lập trường của Việt Nam cho rằng việc DOC tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp nói trên là “không phù hợp” với phán quyết trước đó của Tòa Phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ về việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với nước có nền kinh tế phi thị trường.

Ông Mừng cho biết căn cứ vào những tài liệu, dữ liệu thực tế và các lập luận bảo vệ của Chính phủ Việt Nam và của 3 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc gửi DOC trong giai đoạn điều tra, trong số 20 nhóm các chương trình, chính sách của Chính phủ Việt Nam mà phía nguyên đơn đưa ra cáo buộc là “có trợ cấp” thì có đến 16 nhóm chương trình và chính sách đã được DOC loại bỏ khỏi phạm vi điều tra của vụ việc với lý do không phải trợ cấp có thể đối kháng. Các chương trình này đã được chấm dứt khi Việt Nam gia nhập WTO và trên thực tế cũng không được áp dụng đối với các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc.

Chính những kết luận của DOC cho thấy “Chính phủ Việt Nam luôn tuân thủ đúng cam kết trong các Điều ước quốc tế và luôn nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong hoạt động thương mại quốc tế, tạo lập một môi trường kinh doanh, đầu tư lành mạnh và đáng tin cậy cho các doanh nghiệp khi đầu tư tại Việt Nam”, Cục trưởng nói.

Cho dù quyết định sơ bộ của DOC đã phản ánh phần nào thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất túi PE xuất khẩu của Việt Nam khi những hoạt động này diễn ra trong điều kiện thông thường, không có trợ cấp của chính phủ, nhưng theo Cục trưởng, Việt Nam vẫn cần tiếp tục nỗ lực đấu tranh và chứng minh với DOC về những điểm chưa chuẩn xác nêu trong quyết định sơ bộ.

Nỗ lực này nhằm đi đến một kết luận là “Chính phủ Việt Nam không trợ cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc nếu có, mức độ trợ cấp là không đáng kể và không gây bóp méo thương mại công bằng”, Cục trưởng nhấn mạnh.

Đánh giá về tác động của quyết định này đối với việc xuất khẩu các loại túi PE của Việt Nam, ông Mừng cho rằng chắc chắn sẽ có những “tác động tiêu cực”, hơn nữa, có thể gây ra những “rủi ro đáng kể” cho cả nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ.

Về phía doanh nghiệp, Cục trưởng khuyến cáo nên đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, có chiến lược kinh doanh lâu dài, đầu tư công nghệ nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm thiểu được nguy cơ nảy sinh các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại các nước nhập khẩu mà nguyên nhân do hàng hóa nhập khẩu giá thấp gây ra.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần chủ động và tích cực nghiên cứu các thông tin về thị trường, quy định pháp luật của các nước nhập khẩu để chủ động ứng phó và có giải pháp linh hoạt trong quá trình sản xuất, xuất khẩu của mình./.

Khánh Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục