Phân loại nợ để phù hợp với đặc thù của Ngân hàng Chính sách

Việc xây dựng các tiêu chí phân loại nợ phù hợp chính là một trong những công cụ cần thiết cung cấp thông tin trong công tác quản trị điều hành, quản lý nợ.
Phân loại nợ để phù hợp với đặc thù của Ngân hàng Chính sách ảnh 1(Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ngày 02/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 976/2015/QĐ-TTg về Quy chế phân loại nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP). Quy chế phân loại nợ là một trong những công cụ quan trọng, đi đúng mục tiêu Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách đến năm 2020 là nâng cao tính hiệu quả, minh bạch và phòng ngừa rủi ro cho Ngân hàng Chính sách.

Theo đó, Ngân hàng Chính sách thực hiện phân loại nợ căn cứ vào các tiêu chí phân loại nợ, trong từng tiêu chí phân loại sẽ được phân nhóm theo các chỉ tiêu và chi tiết theo trạng thái nợ, 10 tiêu chí phân loại nợ gồm: Phân loại nợ theo chương trình cho vay; phân loại nợ theo thời hạn cho vay; phân loại nợ theo trạng thái nợ; phân loại nợ theo hình thức bảo đảm tiền vay; phân loại nợ theo nguồn gốc cho vay; phân loại nợ theo hình thức cho vay và đơn vị nhận ủy thác với VBSP, phân loại nợ theo khu vực cho vay; phân loại nợ theo dân tộc; phân loại nợ theo ngành kinh tế; phân loại nợ theo khả năng trả nợ của khách hàng.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách một mặt đã chuyển tải một lượng lớn vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mặt khác đã tổ chức tốt việc theo dõi và quản lý nguồn vốn tín dụng.

Hiện nay, trong điều kiện quy mô nguồn vốn ngày càng lớn, dư nợ của ngân hàng hiện nay đã tăng gấp 14 lần so với thời điểm nhận bàn giao đặt Ngân hàng Chính sách trước những thách thức mới trong việc tổ chức, quản lý tốt hơn nguồn vốn cho vay và theo dõi chặt chẽ hơn các khoản nợ. Trước tình hình đó, đòi hỏi Ngân hàng Chính sách cần phải có công cụ hỗ trợ để cung cấp thông tin phục vụ công tác quản trị điều hành nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong việc theo dõi, quản lý và phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ưu đãi.

Việc xây dựng các tiêu chí phân loại nợ phù hợp chính là một trong những công cụ cần thiết cung cấp thông tin trong công tác quản trị điều hành, quản lý nợ, phân tích, đánh giá chính xác hiện trạng và bản chất các khoản nợ để kịp thời đề ra các giải pháp quản lý và phương án xử lý các nhóm nợ nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, bảo tồn và phát huy có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Trên cơ sở các tiêu chí phân loại nợ phù hợp với đặc thù hoạt động, Ngân hàng Chính sách sẽ đưa ra những cảnh báo sớm một số nguy cơ rủi ro tiềm ẩn từ đó chủ động đề ra các giải pháp phòng ngừa để ngăn chặn các rủi ro phát sinh trong tương lai.

Mặt khác, thông qua việc phân loại các khoản nợ giúp cho lãnh đạo Ngân hàng Chính sách có cách nhìn tổng quan nhất về thực trạng chất lượng tín dụng để có kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cơ chế phù hợp với thực tiễn.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế của Ngân hàng Chính sách cho thấy việc xây dựng tiêu chí phân loại nợ trong hệ thống Ngân hàng Chính sách là việc làm cần thiết góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ và điều hành nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngân hàng này, tạo điều kiện để ngân hàng thực thi tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ đã giao.

Sau 12 năm thành lập và phát triển, thực hiện nhiệm vụ được giao là công cụ của Chính phủ để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến 31/3, tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách đạt trên 136.000 tỷ đồng với hơn 22 chương trình cho vay. Mỗi chương trình đều có tính đặc thù riêng về mục đích, đối tượng, điều kiện vay vốn, tính đến nay có trên 25 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách và hiện có gần 7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ tại ngân hàng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục