Phân luồng giao thông vẫn rối như tơ vò

Từ ngày 2/4 - 15/7, liên ngành giao thông vận tải - Công an thành phố Hà Nội tổng lực ra quân phân luồng, chống ùn tắc giao thông, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Từ ngày 2/4 - 15/7, liên ngành giao thông vận tải - Công an thành phố Hà Nội tổng lực ra quân phân luồng, chống ùn tắc giao thông, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Qua gần 2 tháng ra quân, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa thuyên giảm, thậm chí còn gia tăng điểm "nghẽn."
 
Điểm mặt 5 nguyên nhân
 
Theo liên ngành giao thông vận tải - Công an thành phố Hà Nội, trong gần 2 tháng tổng lực ra quân phân luồng, chống ùn tắc giao thông, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý gần 75.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền khoảng 10,5 tỷ đồng. Trong đó có gần 43.000 trường hợp đi xe máy không đội mũ bảo hiểm bị xử lý, tạm giữ trên 2.200 phương tiện, gần 7.000 bộ giấy tờ xe.
 
Để tăng tính răn đe, trấn áp đối với những trường hợp vi phạm, lực lượng liên ngành đã bổ sung thêm các lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát 113 để thành lập các tổ tuần tra cơ động, phát hiện và kiên quyết xử lý vi phạm. Ngoài ra, lực lượng liên ngành còn được trang bị, sử dụng phương tiện ghi hình vi phạm bằng máy đo tốc độ, camera, máy ảnh giám sát...
 
Nhờ vậy, nhiều tuyến giao thông làm “đau đầu” các nhà quản lý và hoạch định phát triển giao thông của Hà Nội như các nút tuyến Bưởi - Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị - Giải Phóng, Cầu Diễn, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, Ðại Cồ Việt... đã được giải tỏa khi các lực lượng có mặt.
 
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Thanh tra Sở giao thông vận tải Hà Nội, ngay khi các lực lượng rút khỏi hiện trường, các điểm, nút giao thông vừa thông thoáng xong lại ùn tắc ngay.
 
Trước đợt tổng lực ra quân lần này, Hà Nội có khoảng 90 điểm thường xuyên ùn tắc, nay đã gia tăng thành 124 điểm. Liên ngành đưa ra 5 nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các điểm ùn tắc, là mật độ phương tiện giao thông ngày càng gia tăng, trong khi cơ sở hạ tầng còn yếu; các lô cốt, công trình thi công rào chắn lấn chiếm lòng, lề đường gây ùn tắc vào giờ cao điểm; các phương tiện chạy sai luồng tuyến, vi phạm quy tắc giao thông; ý thức người tham gia giao thông chưa cao; lực lượng liên ngành tham gia chống ùn tắc quá mỏng.
 
Mặc dù ngay sau khi mở đợt cao điểm, thành phố đã thành lập các tổ liên ngành tổ chức kiểm tra, khảo sát các điểm bất cập trong tổ chức giao thông để sớm hoàn thiện phương án phân luồng, chống ùn tắc nhưng với sự tồn tại của những nguyên nhân trên thì lực lượng liên ngành “lực bất tòng tâm.”
 
Mở rộng giải pháp tình thế
 
Trong đợt cao điểm, liên ngành đã tổ chức lại nút giao thông Bưởi - Hoàng Quốc Việt bằng việc kẻ lại vạch sơn, cắm thêm biển báo hiệu, khảo sát mở rộng làn đường, tăng cường lực lượng cắm chốt vào giờ cao điểm, phân luồng từ xa hoạt động của xe buýt...
 
Các giải pháp tình thế này đã góp phần chống ùn tắc hiệu quả. Do đó, các cơ quan liên ngành đều đề xuất với thành phố tiếp tục tổ chức khảo sát, dần từng bước tháo gỡ thông qua các giải pháp điều chỉnh để phù hợp với thực tế từng tuyến đường, nút giao cắt hay xảy ra ùn tắc trong thời gian tới.
 
Ông Hoàng Văn Mạnh khẳng định việc tăng cường các giải pháp cưỡng chế, lắp đặt các dải phân cách làm giảm sự xung đột trực tiếp giữa các dòng phương tiện tham gia giao thông, lắp thêm các biển phụ, sử dụng các vạch sơn... tạo ra một cách làm mới, tác động mạnh mẽ tới ý thức của người dân.
 
Từ nay đến hết đợt cao điểm, các cơ quan liên ngành sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện điều chỉnh 7 tuyến giao thông Lê Văn Lương - Láng Hạ, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông), Đại Cồ Việt (nút Kim Liên - Cao Đạt), đường Giải Phóng (Phố Vọng đến Kim Đồng), Kim Mã (từ Ngọc Khánh đến Bến xe Kim Mã), Liễu Giai - Đào Tấn.
 
Những nút này sẽ được bố trí lực lượng phân luồng, mỗi tuyến có từ 16 - 36 cán bộ; mở rộng dải phân cách, bịt dải phân cách giữa đường, xén mở rộng góc cua, cho phép phương tiện rẽ phải và quay đầu tại điểm mở giao thông. Đồng thời bắt đầu tiến hành thí điểm đưa vào sử dụng hệ thống barie, rào chắn di động có thể đóng mở theo giờ phục vụ công tác phân luồng.
 
Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục cảnh sát giao thông Đường bộ, đường sắt) Trần Sơn cũng cho biết trong thời gian tới, lực lượng liên ngành sẽ tăng cường xử lý các phương tiện dừng đỗ xe không đúng nơi quy định; giải tỏa các điểm trông giữ xe trái phép nhất là các điểm gần nơi có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông; kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển vật liệu, đất phế thải gây rơi vãi phế liệu, các trường hợp đổ trộm, đổ bậy phế thải gây ô nhiễm môi trường…
 
Tùy mức độ, hành vi vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ thực hiện đình chỉ tại chỗ phương tiện, tước bằng lái xe; với các trường hợp vi phạm được ghi lại bằng camera, máy ảnh giám sát, lực lượng chức năng sẽ tiến hành in hình ảnh phương tiện vi phạm và chuyển giao cho Phòng cảnh sát giao thông các địa phương nơi phương tiện đó đi qua. Lực lượng cảnh sát giao thông địa phương sẽ xác minh, gửi thông báo đến chủ phương tiện để yêu cầu người vi phạm đến trụ sở cơ quan cảnh sát giao thông để lập biên bản và xử phạt theo quy định.
 
Đối với những phương tiện vi phạm không chấp hành quy định xử lý của pháp luật, lực lượng cảnh sát giao thông tại địa phương đó sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan ngăn không cho phương tiện lưu thông trên đường nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Việc kiểm tra, xử lý sẽ tiến hành cả ngày lẫn đêm, không cố định mà lưu động trên toàn tuyến và tập trung vào những đoạn đường phức tạp về trật tự an toàn giao thông./.
 
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục