Phản ứng của EC về vụ rò rỉ các thông tin trốn thuế

Vụ rò rỉ hơn 2 triệu bức thư điện tử và các tài liệu khác, chủ yếu từ thiên đường thuế British Virgin Islands, dự đoán sẽ gây “cú sốc.”
Vụ rò rỉ hơn 2 triệu bức thư điện tử và các tài liệu khác, chủ yếu từ thiên đường thuế British Virgin Islands, được dự đoán sẽ gây ra “cú sốc” đối với toàn cầu.

Ước tính khoảng 32 nghìn tỷ USD (25 nghìn tỷ euro) được giữ trong các tài khoản do các nhà tài phiệt, các nguyên thủ quốc gia và những người nổi tiếng sử dụng để trốn thuế thu nhập.

Theo các thông tin ban đầu, vụ rò rỉ thông tin này có thể giúp các nhà điều tra lần ra dấu vết các khối tài sản khổng lồ “đã biến mất” của các nhà độc tài, như Ferdinand Marcos ở Philippines và Robert Mugabe ở Zimbabwe.

Nhân vụ việc này, hoạt động của một loạt nhân vật nổi tiếng, các quan chức chính phủ, và các gia đình giàu có trên khắp thế giới - từ Anh, Canada, Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Iran, Trung Quốc, Thái Lan và một số nước khác - đã được xác định.

[Lộ diện chủ nhân của nhiều tài sản bí mật khổng lồ]

Trang tin EurActiv ngày 5/4 cho biết báo The Guardian, hãng BCC và các phương tiện truyền thống quốc tế khác sẽ cung cấp các kết quả của cuộc điều tra.

Theo báo The Guardian, dự án điều tra này có thể làm phương hại nghiêm trọng lòng tin đối với các thiên đường thuế, thường được sử dụng bởi những người giàu nhất thế giới.

Sáng 5/4, tại Brussels, Ủy ban châu Âu đã có một cuộc họp báo về vụ rò rỉ thông tin các tài khoản “đen” ở nước ngoài để trốn thuế của giới siêu giàu khắp thế giới.

Khi được yêu cầu bình luận liệu “cú đấm” đối với các thiên đường thuế này có phải là tin tốt lành đối với Liên minh châu Âu hay không, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Olivier Bailly đã nhân cơ hội này nhắc lại rằng cơ quan hành pháp của EU đã yêu cầu các nước thành viên giải quyết vấn đề trốn thuế, kể cả việc thông qua một định nghĩa chung về thiên đường thuế. Ông còn cho biết các vụ trốn thuế khiến EU mất “hơn 1.000 tỷ euro” mỗi năm.

Ông cũng nhắc lại rằng EC đã đưa ra những đề nghị nhằm xử lý “mạnh tay” đối với hành động trốn thuế từ tháng 12/2012 và vẫn đang chờ sự nhất trí của các nước thành viên.

30 biện pháp, hoặc nhiều hơn, mà EC đưa ra bao gồm cả việc các nước EU cần liệt kê danh sách các thiên đường thuế và thông qua một loạt biện pháp nhằm lấp các kẽ hở trong luật có thể tạo điều kiện cho việc trốn thuế.

Tại buổi họp báo, ông Bailly đã tránh trả lời trực tiếp câu hỏi liệu Luxembourg có phải là một thiên đường thuế không. Ông nói rằng những đạo luật “rất rõ ràng” đã được áp dụng cho tất cả các nước thành viên EU về việc chuyển tải thông tin liên quan đến các tài khoản ngân hàng.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đang cố gắng để có một định  nghĩa thiết thực về sự bất hợp pháp, chứ không phải một thuật ngữ kết tinh những căng thẳng và sự hiểu lầm.”

Bernadette Ségol, Tổng thư ký ETUC, cũng phản ứng khá mạnh trước vụ việc: “Tôi kêu gọi các thể chế của châu Âu xúc tiến kế hoạch hành động chống gian lận và trốn thuế.”

Bà cho rằng các thể chế tài chính đã giúp những người giàu trốn thuế phải bị đưa ra tòa. Bà nói thêm: “Chúng ta nay đã có bằng chứng rõ ràng rằng hầu hết các vụ gian lận thuế trong EU được tiếp tay bởi các hành động tội phạm của một số ngân hàng lớn, giúp những người giàu lập công ty ‘ma’ và các tài khoản bí mật tại các thiên đường thuế. Chúng ta cần có sự trừng phạt nghiêm từ các cơ quan thuế, kể cả dựa trên luật tội phạm của châu Âu, nhằm ngăn chặn chúng tiếp tục hành động”./.

Thái Vân/Brussels (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục