Phản ứng trước quyết định mua trái phiếu của ECB

Giới chính trị, tài chínhchâu Âu và thế giới đã có phản ứng khác nhau trước quyết định mới của ECB với cuộc khủng hoảng ở Eurozone.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 6/9 thông báo quyết định mua số lượng lớn trái phiếu chính phủ của các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang ngập trong nợ nần, giúp giảm chi phí vay mượn của các nước này.

Thông báo trên ngay lập tức khiến thị trường chứng khoán trên toàn châu Âu tăng điểm, trong khi phí tổn vay mượn của Italia và Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư trong Eurozone, cũng giảm xuống.

Phát biểu với báo giới ngay sau khi kết thúc cuộc họp thường kỳ được thị trường hết sức trông đợi tại trụ sở Frankfurt - Đức ngày 6/9, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã thông báo chương trình mua trái phiếu chính phủ của các nước trong Eurozone, thay thế Chương trình Thị trường chứng khoán (SMP) do ECB đưa ra hồi tháng 5/2010.

Chủ tịch Draghi nhấn mạnh chương trình mới có tên gọi "Các giao dịch tiền tệ trực tiếp" (OMT) cho phép chấn chỉnh những lộn xộn trên các thị trường trái phiếu chính phủ, theo đó ECB có thể mua trái phiếu chính phủ với khối lượng lớn và thời gian đáo hạn từ 1-3 năm với điều kiện các nước liên quan phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSE)/Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (ESM).

Ngoài ra, các nước trong Eurozone gặp khó khăn có thể lựa chọn hình thức hỗ trợ của ECB thông qua một gói cứu trợ toàn diện hoặc một chương trình dự phòng. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã hoan nghênh quyết sách mới của ECB.

Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande, đang có cuộc hội đàm tại London, hoan nghênh kế hoạch trên, cho rằng ECB đã hành động đúng với nhiệm vụ được giao là bảo vệ sự tăng trưởng ở châu Âu.

Lãnh đạo nhấn mạnh động thái nói trên của ECB không chỉ quan trọng đối với các nước trong Eurozone, mà cả đối với một nước đứng ngoài Eurozone như Anh.

Từ Brussels, Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici cũng hoan nghênh sáng kiến của ECB và kêu gọi các nước thành viên ủng hộ.

Trong khi đó, Thủ tướng Mario Monti của Italy, nước đang bị các nhà đầu tư trừng phạt do lo ngại nước này có nguy cơ trở thành nạn nhân của khủng hoảng nợ công, đã gọi đó là một bước tiến quan trọng đối với Eurozone.

Theo ông Monti, chi phí vay mượn tăng cao không còn là vấn đề của riêng Italy, mà là mối đe dọa toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đồng tình với ECB và khẳng định sẽ ủng hộ ECB trong khả năng của mình. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nói: "Chúng tôi coi hành động của ECB là một bước đi quan trọng hướng tới sự ổn định và tăng trưởng trong Eurozone."

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Đức lại phản đối kế hoạch của ECB, cho rằng kế hoạch này sẽ dẫn đến việc các nước thành viên trì hoãn việc thực hiện các cuộc cải cách cần thiết, điều này có thể làm phương hại lòng tin đối với khả năng giải quyết khủng hoảng của các nhà lãnh đạo chính trị.

Theo ngân hàng này, việc mua trái phiếu chẳng khác nào tài trợ cho chính phủ các nước bằng cách in thêm tiền và "tạo điều kiện" cho các nước thành viên khu vực đồng tiền chung thêm chậm trễ trong việc thực hiện các cải cách cần thiết./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục