Pháp: Bạo lực tại cuộc tuần hành trong ngày Quốc tế lao động

Hàng chục cuộc biểu tình, tuần hành diễn ra trong ngày Quốc tế lao động 1/5 tại Pháp, nhóm biểu tình đã đụng độ với cảnh sát buộc cảnh sát đáp trả bằng lựu đạn hơi cay.
Pháp: Bạo lực tại cuộc tuần hành trong ngày Quốc tế lao động ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Trong ngày Quốc tế lao động 1/5, các tổ chức công đoàn tại Pháp đã tổ chức hàng chục cuộc biểu tình, tuần hành tại nhiều thành phố, đòi bảo vệ tiến bộ xã hội và quyền lợi cho người lao động.

Theo Bộ Nội vụ Pháp, các cuộc tuần hành đã thu hút 142.000 người trên toàn nước Pháp, còn theo các tổ chức công đoàn, con số này lên đến 280.000 người.

Năm nay, các cuộc biểu dương lực lượng của các tổ chức công đoàn còn nhằm mục đích lập thành "rào cản" chống lại ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, kêu gọi không bỏ phiếu cho bà tại vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 7/5.

Tuy nhiên, thay vì tập hợp trong một mặt trận chung nhằm liên kết sức mạnh, thể hiện sự đoàn kết, các tổ chức công đoàn tại Pháp lại chia thành hai nhóm với các khẩu hiệu và biểu ngữ chuyển tải những thông điệp khác nhau.

Tại Paris, các tổ chức Liên đoàn Dân chủ Lao động Pháp (CFDT), Liên minh Quốc gia các công đoàn tự trị (UNSA) và Hội liên hiệp sinh viên Paris tổ chức cuộc tuần hành cuối buổi sáng tại quận 19, đã kêu gọi bỏ phiếu cho ứng cử độc lập Emmanuel Macron để "phản đối quan điểm phản động và kỳ thị" của đảng Mặt trận Dân tộc (FN).

Trong khi đó, các tổ chức công đoàn gồm Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT), Sức mạnh công nhân (FO), Liên hiệp công đoàn thống nhất (FSU) và Solidaires đã tuần hành vào buổi chiều trên trục đường từ quảng trường Cộng hòa đến quảng trường Quốc gia.

Người biểu tình giương cao biểu ngữ kêu gọi bỏ phiếu để ngăn chặn bà Marine Le Pen thắng cử, nhưng không nêu rõ bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron. Trong khi đó, một nhóm thanh niên đã thành lập "Mặt trận xã hội," kêu gọi tẩy chay cả hai ứng cử viên.

Bà Vanessa Jereb, Thư ký quốc gia phụ trách việc làm của Liên minh Quốc gia các công đoàn tự trị (UNSA) cho biết bà lấy làm tiếc rằng các tổ chức công đoàn đã không dẹp bỏ được những khác biệt, để có tiếng nói chung và đưa ra thông điệp kêu gọi bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron.

Theo bà, việc làm này không phải là "chấp nhận toàn bộ "chương trình hành động của ứng cử viên Macron, nhưng là cách duy nhất ngăn cản ứng cử viên của đảng cực hữu trở thành tổng thống.

Còn báo chí Pháp thì cho rằng số người tham gia các cuộc tuần hành năm nay là quá ít so với các cuộc tuần hành khổng lồ lên đến 1,3 triệu người vào năm 2002 nhằm chống lại đảng FN. Năm 2002, cha của bà Le Pen là ông Jean-Marie Le Pen đã lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống năm đó.

Mọi lực lượng chính trị ở Pháp khi đó đã đoàn kết, lập thành lá chắn, nhằm giúp ứng cử viên Jacques Chirac giành chiến thắng áp đảo tại vòng 2.

Tại cuộc tuần hành chiều 1/5, bạo lực đã xảy ra ngay vào thời điểm xuất phát. Một nhóm khoảng 100 người mặc quần áo đen, đội mũ trùm đầu và giương cao biểu ngữ màu đen bỗng bất ngờ xuất hiện ở phía đầu đoàn tuần hành.

Nhóm này đã ném bom xăng, gạch đá vào lực lượng cảnh sát, buộc cảnh sát phải đáp trả bằng lựu đạn hơi cay. Ít nhất, sáu cảnh sát đã bị thương trong đó một người bị thương nặng. Cảnh sát cũng đã bắt giữ bốn đối tượng vì mang đã vũ khí vào khu vực cấm, có hành vi bạo lực chống lại cảnh sát và gây thiệt hại về tài sản.

Cũng trong ngày 1/5, hai ứng cử viên Le Pen và Macron tiếp tục các cuộc vận động tranh cử. Bà Le Pen đã tổ chức cuộc mít tinh thu hút khoảng 10.000 người tại thành phố Villepinte, tỉnh Seine-Saint-Denis.

Với lối nói mạnh miệng mang phong cách của ứng cử viên ở bên kia bờ Đại Tây Dương Donald Trump, bà Le Pen đã đả kích kịch liệt ứng cử viên Macron, cho rằng ông là sự "nối tiếp" của Tổng thống François Hollande, và là ứng cử viên "đại diện cho giới tài phiệt", được các tỷ phú và các ông chủ các tập đoàn bất động sản đứng sau tài trợ.

Về phần mình, ứng cử viên Macron tổ chức mít tinh tại khu La Villette, phía Bắc Paris. Trong bài phát biểu dài 90 phút, ông đã tố cáo các chính sách bảo hộ, chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa dân tộc trong chương trình hành động của bà Le Pen.

Theo ông, các quan điểm này nhất định sẽ dẫn đến cuộc chiến về kinh tế và tình trạng nghèo đói. Ông cũng tố cáo bà không ngừng đưa ra những lời hứa không có cơ sở như tăng mức lương tối thiểu, giảm tuổi nghỉ hưu xuống còn 60, mà không giải thích làm thế nào để thực hiện được điều đó. Vậy chỉ có hai khả năng: một là phải tăng thuế, hai là sẽ làm tăng nợ quốc gia... Vì vậy, theo ông, những lời hứa của bà trên thực tế là "những lời nói dối."

Ông cũng tố cáo bà đang khai thác sự giận dữ của người dân Pháp trước những khó khăn kinh tế và tình hình an ninh bất ổn hiện nay khiến một bộ phận người Pháp sợ hãi, phản ứng theo cách thu mình, ủng hộ đóng cửa biên giới, rời bỏ khu vực đồng euro trong khi cần phải thích nghi và tiến hành cải cách để tận dụng cơ hội, bởi vì hội nhập châu Âu và toàn cầu hóa là một xu hướng tất yếu.

[Biểu tình bạo lực trên khắp châu Âu trong Ngày Quốc tế Lao động]

Ông nhấn mạnh, người dân Pháp đang phải lựa chọn giữa hai chương trình hoàn toàn trái ngược nhau: Một bên là chương trình của "những người yêu nước Pháp" với các "cải cách khắt khe" và một bên là chương trình của "những kẻ phản động, dân tộc chủ nghĩa, đang khai thác sự giận dữ của người dân". Ông cũng gọi đảng FN là đảng "chống lại nước Pháp."

Theo một cuộc thăm dò dư luận do hãng Kantar Sofres-OnePoint tiến hành công bố ngày 1/5, ứng cử viên Macron sẽ chiến thắng ở vòng hai với tỷ lệ ủng hộ là 59% so với 41% cho bà Le Pen. Tỷ lệ này đã thu hẹp chút đỉnh so với tương quan 61% - 39% tại cuộc khảo sát gần đây nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục